Trang bị cho học sinh kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên, hiểu biết về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giúp các em vừa bảo vệ bản thân vừa trở thành hạt nhân trong công tác tuyên truyền về dân số, giới tính, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này. Đây là cách làm hay của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa của hơn 300 học sinh, chủ yếu là đồng bào Xê Đăng và Ca Dong, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My diễn ra đầu tháng 10/2022. Với hình ảnh trực quan, sân khấu hóa, học sinh tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa đã có những hiểu biết nhất định về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Em Cao Viết Trường Giang, học sinh lớp 10, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My chia sẻ, qua buổi sinh hoạt ngoại khóa này chúng em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đã có sự chuyển biến tích cực song vẫn chưa thật sự được ngăn chặn và đẩy lùi. Do vậy, việc cung cấp cho học sinh kiến thức về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như cách làm của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My có ý nghĩa thực tế cao. Với kiến thức, kỹ năng được trang bị, các em không những bảo vệ bản thân mà còn trở thành tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng về hôn nhân, dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Hoàn thành bài thuyết trình về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, được hơn 300 bạn nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng, em Nguyễn Thị Kim Chi, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My cho biết, sau này khi ra trường, trở về địa phương làm việc và sinh sống, em sẽ tích cực tuyên truyền tới bạn bè, em nhỏ ở địa phương chính sách pháp luật về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt là tuyên truyền cho các bạn không kết hôn trước 18 tuổi.
Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một phần do phong tục tập quán, một phần do trình độ nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của đồng bào còn hạn chế. Tư tưởng cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để khỏi gánh nặng cho cha mẹ còn tồn tại trong đời sống của không ít hộ đồng bào. Mặt khác, do học sinh ở điểm trường nội trú, bán trú, sự quản lý của gia đình và nhà trường nhiều lúc còn hạn chế, cộng với tác động của nhiều yếu tố khác khiến các em có quan hệ tình dục sớm, dẫn đến có thai ngoài ý muốn.
Ông Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My chia sẻ, sinh hoạt ngoại khóa để tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hoạt động được tổ chức hằng năm. Ngoài sinh hoạt tập thể, nhà trường còn tổ chức nhóm kín, phù hợp với lứa tuổi. Thông qua buổi ngoại khóa này trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản để các em biết bảo vệ mình. Hy vọng sau này, chính các em sẽ là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng.
Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My Nguyễn Xuân Ba nhận định, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra không ít hệ lụy xấu, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc. Do đó, các buổi ngoại khóa với sự giải thích của cán bộ y tế về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hoạt động thiết thực và bổ ích. Từ năm học tới, đơn vị sẽ tham mưu hỗ trợ một phần kinh phí giúp các trường nội trú, bán trú trên địa bàn huyện nhân mô hình này.
Đoàn Hữu Trung