Sơn La là tỉnh miền núi với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra.
Tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Năm nay mới vừa tròn 17 tuổi, nhưng em Lò Thị Khánh dân tộc La Ha ở huyện Thuận Châu đã lấy chồng được 2 năm. Sau khi lấy chồng, Khánh đã nghỉ học để ở nhà lao động và sinh con. Khi bạn bè cùng trang lứa đang tập trung vào việc học tập để mong có một tương lai tốt đẹp thì Khánh lại bỏ dở tất cả. Em bộc bạch: "Chúng em yêu nhau, thấy nhiều người trong bản cũng lấy vợ, lấy chồng sớm, gia đình không ngăn cản nên đã về ở với nhau".
Tuy nhiên, khi về ở với nhau rồi vợ chồng Khánh mới nhận ra những khó khăn không lường trước. Đó là việc do không đủ tuổi đăng ký kết hôn nên các thủ tục hành chính như tách hộ khẩu, đăng ký khai sinh cho con đều không thể thực hiện. Không những thế, cuộc sống cũng vất vả hơn vì chỉ có chồng đi làm nương, còn Khánh phải ở nhà để nuôi con. "Trong giấy khai sinh của con em chỉ có tên mẹ mà không có tên bố do chưa đủ tuổi kết hôn. Bây giờ em chỉ mong đến khi đủ tuổi để đăng ký kết hôn và khai sinh lại cho con, để sau này con không bị thiệt thòi so với bạn bè", Khánh chia sẻ.
Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La diễn ra khá phổ biến, nhất là các em trong độ tuổi từ 14 đến 16. Cá biệt, có những trường hợp các em đã lấy chồng từ khi mới chỉ 13 tuổi.
Thời gian gần đây, không khí ở gia đình ông Tráng Lao Pủa (ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) hết sức nặng nề khi con gái mới 13 tuổi đột ngột bỏ học đi lấy chồng. Ông Pủa kể, con gái ông rất ngoan ngoãn, chăm học. Những năm học tiểu học ở xã Phiêng Khoài, con ông luôn nhận được giấy khen của nhà trường. Vợ chồng ông Pủa thương con lắm, thấy con học khá nên đến năm con gái vào học Trung học cơ sở, gia đình ông đã quyết định cho con chuyển về thị trấn Yên Châu học tập. Mặc dù đường xa, nhưng vợ chồng ông vẫn thường xuyên xuống thăm nom, động viên con gái học hành. Nhưng chẳng ngờ, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cô con gái đang học lớp 8 đã bỏ nhà, bỏ học để theo chồng.
"Bố mẹ rất mong các con học hành đến nơi, đến chốn. Bố mẹ đã dồn hết tâm huyết để nuôi con ăn học với bao kỳ vọng con gái đầu lòng có một tương lai tốt đẹp trên vùng đất nghèo này. Con không nghe, rồi bỏ đi lấy chồng. Bố mẹ buồn lắm, nhưng cũng chẳng biết làm gì, phải chấp nhận thôi", ông Pủa nghẹn ngào nói.
Theo ông Vì Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, hằng năm trên địa bàn vẫn thường xuyên có các trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế, nhận thức của một bộ phận bà con chưa được cao. Ngoài ra, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải làm ăn xa, không ở gần con cái để bảo ban, chỉ dạy.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, thay đổi hành vi
Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá, công tác tuyên truyền vẫn còn gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, tại vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đây cũng là vùng mà kinh tế, văn hóa còn lạc hậu, còn nhiều người chưa biết chữ và tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí của Trung ương giao thực hiện Đề án còn thiếu so với kế hoạch thực hiện các nội dung của Đề án; kinh phí đối ứng của tỉnh để thực hiện Đề án chưa được bố trí, nên việc duy trì, nhân rộng các mô hình về giảm tình trạng tảo hôn còn hạn chế.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ tảo hôn tại tỉnh Sơn La giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 13,1% năm 2020. Năm 2021, có hơn 1.020 trường hợp tảo hôn trên tổng số 8.127 cặp kết hôn, chiếm 13%.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, ở một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động hoặc kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ. Ngoài ra, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt, không thể hiện rõ vai trò nêu gương của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, không chỉ người dân, mà có nơi cả cán bộ, đảng viên ở cấp xã cũng vi phạm, tạo ra sự nể nang, né tránh.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La Thào Xuân Nếnh cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, Sơn La chú trọng tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm giảm bình quân từ 2 - 3% số cặp tảo hôn đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao.
Hữu Quyết