Ngăn chặn nạn săn bắt động vật, thủy sản tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Ngăn chặn nạn săn bắt động vật, thủy sản tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng
Ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia chủ động phối hợp với UBND hai xã trong vùng đệm, Hạt Kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận - U Minh Thượng tổ chức nắm tình hình, xây dựng cơ sở, tố giác kịp thời phục vụ tuần tra truy quét trong vùng lõi. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục người dân không vi phạm vào rừng trái phép. Thế nhưng, do thấy lợi trước mắt, người dân thường xuyên lén vào Vườn quốc gia để săn bắt động vật, thủy sản; thậm chí có trường hợp ở trong rừng cả tuần, đun nấu, dễ gây cháy bất cứ lúc nào. 

Từ đầu năm đến tháng 9/2016, lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia đã tổ chức 227 cuộc kiểm tra và phát hiện 10 vụ với 16 đối tượng vi phạm vào rừng săn bắt động vật, thủy sản trái phép. Đồng thời, xử lý phạt vi phạm hành chính 4 vụ với 6 đối tượng; chuyển công an 6 vụ với 10 đối tượng xử lý đúng theo pháp luật. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, việc phát hiện, xử phạt hành chính thậm chí là hình sự được tiến hành nhưng sức răn đe chưa cao. Bởi, trường hợp vi phạm vào rừng săn bắt động vật, thủy sản với giá trị dưới 5 triệu đồng; xử lý hành chính chừng vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng không khiến đối tượng săn bắt trái phép e ngại. Với vi phạm giá trị trên 5 triệu đồng trở lên thì chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự. Nhưng cái khó ở đây chính là dân trộm “chuyên nghiệp” khi bắt được động vật, thủy sản chỉ vài ki lô gam ngay lập tức chuyển ra ngoài chứ không đợi dồn với số lượng lớn nên khó xử lý hình sự. Trước đây, vài trường hợp đã bị xử lý hình sự với mức án phạt cao nhất là 2 năm tù giam, nhưng vẫn có trường hợp tái phạm. 

Điều bức xúc nhất hiện nay, trong khi Vườn quốc gia thành lập khu cứu hộ động vật hoang dã để thả về rừng, thì người dân vẫn lén vào bắt trộm. Từ đầu năm đến tháng 9/2016, Vườn quốc gia đã tiếp nhận 21 cá thể rắn gáo trâu (hổ hèo); 6 cá thể trăn gấm từ người dân tự nguyện giao nộp do chưa đủ điều kiện sức khỏe để tái thả về môi trường tự nhiên nên để lại Trung tâm kiểm tra, theo dõi. Bên cạnh đó, Trung tâm thả 1 cá thể trăn đất, 1 cá thể khỉ đuôi dài về vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Thượng. Đó là chưa kể đến, những năm trước, Trung tâm hàng năm đều thả động vật, thủy sản về rừng. 

Để giảm tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật, thủy sản, quy chế phối hợp giữa Vườn quốc gia với UBND hai xã vùng đệm An Minh Bắc và Minh Thuận được thực hiện tốt; duy trì họp báo định kỳ hàng tháng, nắm danh sách các đối tượng vi phạm “chuyên nghiệp” có tổ chức, theo dõi phục vụ tuần tra kiểm soát. Bên cạnh đó, đề xuất tăng nặng mức xử lý hành chính đối tượng cố tình vi phạm nhiều lần và có hướng xử lý hình sự để răn đe, không tái phạm. 

Ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng cho rằng cần có biện pháp cứng rắn hơn như có như vậy, Vườn quốc gia mới tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở vật chất trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; chủ động tiếp nhận các loài động vật hoang dã bị tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật, tự nguyện giao nộp của các tổ chức, cá nhân để chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị. Đồng thời, chọn lọc những cá thể động vật hoang dã đủ điều kiện để tái thả về môi trường sống tự nhiên làm phong phú thêm khu hệ động vật ở Vườn quốc gia U Minh Thượng./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm