Nga phê chuẩn Chiến lược An ninh quốc gia sửa đổi

Nga phê chuẩn Chiến lược An ninh quốc gia sửa đổi

Phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin, văn kiện viết rằng Nga "đã chứng tỏ khả năng đảm bảo chủ quyền, độc lập, toàn vẹn quốc gia và lãnh thổ, bảo vệ các quyền của đồng bào ở nước ngoài", tăng cường vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, giải quyết các cuộc xung đột quân sự, đảm bảo pháp qui của luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các nước. Một trong những ưu tiên của Nga về lâu dài là "củng cố vị thế của mình như một trong những cường quốc hàng đầu thế giới". 

Chiến lược An ninh quốc gia sửa đổi chỉ ra rằng, việc Nga tiến hành đường lối độc lập đã khiến Mỹ và đồng minh của Mỹ, những bên muốn duy trì sự thống trị của mình trong các công việc quốc tế, chống đối. Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở rộng tiến sát đến biên giới Nga và tạo ra đe dọa đến an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với NATO trên cơ sở bình đẳng vì mục tiêu củng cố an ninh tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh ở Moskva ngày 29/9. Reuters/TTXVN
Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh ở Moskva ngày 29/9. Reuters/TTXVN

Chiến lược khẳng định hiện nay, các nước láng giềng của Nga đang mở rộng cả một mạng lưới các “phòng thí nghiệm quân sự-sinh học” của Mỹ trong bối cảnh trên thế giới vẫn còn nguy cơ phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học, cũng như tình trạng không rõ ràng xung quanh việc các nước sở hữu vũ khí sinh học, khả năng chế tạo và sản xuất loại vũ khí nguy hiểm này. Chiến lược cũng chỉ trích cách liên minh quân sự trong các vấn đề quốc tế không giúp giải quyết được các thách thức hiện nay.

Liên quan đến nước láng giềng Ukraine, văn kiện trên nhấn mạnh quan điểm của phương Tây chống lại tiến trình hội nhập và tạo ra lò lửa căng thẳng trong khu vực Á-Âu, tác động tiêu cực đến việc thực hiện các lợi ích quốc gia của Nga. Việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn cuộc đảo chính đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ukraine và xuất hiện xung đột vũ trang.

Về phương diện vũ khí, Chiến lược An ninh mới của Nga khẳng định, tiềm lực vũ khí hạt nhân cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng sử dụng chúng trong chiến đấu của quân đội Nga cho phép kiếm giữ chiến lược và ngăn chặn các xung đột vũ trang quốc tế. Chiến lược cũng cho phép sử dụng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi quốc gia khi các biện pháp khác không còn hiệu quả.

Theo Chiến lược An ninh, sự xuất hiện và lớn mạnh của các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng là kết quả của chính sách tiêu chuẩn kép mà một số quốc gia tiến hành trong chống khủng bố. Hành động vô trách nhiệm đó đã dấn đến sự bất ổn kéo dài tại Afghanistan, Iraq, Lybia, đến chiến tranh tại Syria, đến việc vũ khí được phổ biến khắp nơi, tội phạm có tổ chức, buôn ma túy, vi phạm có hệ thống quyền và tự do của hàng triệu con người. Chiến lược sửa đổi công khai tuyên bố thực tiễn thay đổi chế độ hợp pháp bằng cái gọi là "cách mạng màu" và "chiến tranh lai" (hybrid war) đã dẫn đến sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, hận thù tôn giáo và sắc tộc. 

Chiến lược khẳng định Nga ủng hộ hợp tác với EU và đối tác với Mỹ, ủng hộ hài hòa các tiến trình hội nhập tại châu Âu và không gian hậu Xô viết, xây dựng tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương một hệ thống an ninh tập thể mở trên cơ sở thỏa thuận-pháp lý rõ ràng. Quan hệ với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Abkhazia và Nam Osetia là những định hướng then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga.

Về kinh tế, chỉ rõ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia của Nga, Chiến lược nêu ra các nhiệm vụ bao gồm củng cố hệ thống tài chính, ổn định tỷ giá đồng ruble (rúp), giảm lãi suất ngân hàng để tăng cường an ninh quốc gia. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga là bảo đảm độc lập về lương thực. Phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Mỹ Latinh và châu Phi đóng vai trò rất quan trọng, trong đó quan hệ với Trung Quốc được coi là “nhân tố then chốt để củng cố ổn định toàn cầu và khu vực”.

Ngày 3/7/2015, Tổng thống Putin đã ra lệnh điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia. Khi đó ông nói rằng Nga cần thực thi các biện pháp hệ thống để thích ứng với tình hình thay đổi trên thế giới./.

 

Có thể bạn quan tâm