Khi xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ sáu, đại diện của Damascus và lực lượng đối lập hiện đã có mặt ở Geneva để tham gia tiến trình đàm phàn hòa bình do đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura chủ trì. Thế nhưng giải pháp thực sự thì lại đang nằm trong tay của chỉ riêng Nga và Mỹ - giới phân tích nhận định.
“Hai cường quốc họ nói chuyện riêng với nhau, qua điện đàm hay tại các cuộc gặp trên khắp thế giới. Hai bên thông báo cho các đồng minh ở Syria và cá nhân ông de Mistura điều họ đã quyết định. Rồi Nga và Mỹ lại đưa ra các giới hạn đỏ, ngăn cản các quyền lực vượt qua. Mỹ cấm Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ vào Syria, yêu cầu Saudi Arabia ngừng viện trợ vũ khí cho quân đối lập. Nga cũng làm điều tương tự với Iran”, Haytham Manaa – một cựu quan chức cấp cao thuộc phái đối lập Syria nhìn nhận chia sẻ với hãng tin AFP.
Nga - Mỹ đứng sau điều khiển tiến trình Syria? Ảnh: Kremlin.ru
|
Trên thực tế, Nga và Mỹ đã áp đặt ảnh hưởng lên các phái đối lập “phức tạp” tham chiến ở Syria để đi tới một thỏa thuận ngừng bắn bước ngoặt có hiệu lực từ hôm 27/2. “Nga và Mỹ đã nắm quyền điều hành và thực thi bước đi độc quyền trong vấn đề Syria”, Joseph Bahout, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Carnegie Endowment ở Washington nhận định. Đánh giá này cũng được giáo sư Bassel Salloukh, giáo sư chính trị tại Đại học Hoa Kỹ tại Beirut (Lebanon) chia sẻ, với lời bình luận “lợi ích chiến lược của Nga và Mỹ sẽ quyết định tạo lập cục diện Syria, hơn là nguyện vọng của người dân nước này”.
Trật tự mới?
Trên thực tế, cả Nga và Mỹ đều miễn cưỡng can dự vào cuộc xung đột đầy phức tạp, khó đoán định tại Syria. “Cách nhìn nhận cho là chúng ta nhẽ ra có thể thay đổi cán cân trên thực địa (thông qua đánh đòn quân sự) là không bao giờ đúng”, tạp chí The Atlantic (Mỹ) số tháng 4 dẫn lời Tổng thống Barack Obama khi ông nói về quyết định đúng đắn không “bấm nút” chiến tranh Syria, sau khi có tin Damascus vượt “giới hạn đỏ”, sử dụng vũ khí hóa học giết hại hàng nghìn dân thường (8/2013). Washington chỉ can thiệp quân sự từ tháng 9/2014, nhưng đó là một phần trong chiến dịch không kích của liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một năm sau, Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria sau khi được Tehran thông báo chính quyền Damascus sẽ sớm sụp đổ nếu không được trợ giúp - giới ngoại giao ở Damascus tiết lộ. Bước đi của Nga đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trên chiến trường theo hướng có lợi cho chính quyền Syria, khi mà các lực lượng trung thành với ông Assad mở chiến dịch phản công, chiếm lại được nhiều vùng lãnh thổ từ tay quân nổi dậy, khủng bố IS ở khắp miền nam, miền bắc và miền trung.
Thế nhưng chiến thắng về mặt quân sự không phải là điều mà Nga quyết theo đuổi bằng mọi giá. Moskva đã đưa ra cảnh báo sắc lẹm nhằm vào Damascus nếu không chịu đi theo lộ trình mà điện Kremlin vạch ra. Phản ứng trước tuyên bố của ông Assad về việc quân đội Syria sẽ chiến đấu cho đến khi giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho biết, Nga hướng đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Syria và cách thức đó (của ông Assad) là điều vô ích, chỉ làm cho xung đột thêm dai dẳng mà thôi. “Nga đã bỏ rất nhiều nguồn lực thực chất vào cuộc khủng hoảng này, trên tất cả các mặt chính trị, ngoại giao và giờ là cả quân sự. Vì thế đương nhiên chúng tôi muốn Tổng thống Assad hiểu điều đó”, ông Churkin nói.
Fyodor Lukyanov, Giám đốc Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại (Nga) nhìn nhận, vai trò lãnh đạo Nga - Mỹ khiến nhiều người nhớ lại trục quyền lực đầy sức mạnh thời xưa kia. “30 năm sau Chiến tranh Lạnh, đã xuất hiện một thực tế: Moskva và Washington là nhân tố duy nhất có khả năng ra quyết định và thực thi hành động. Nga và Mỹ thực sự là người chơi duy nhất đủ sức buộc các bên đối lập đi tới giải pháp hòa bình. Những nước khác sẽ không hoặc không thể làm điều đó. Đây là trật tự thế giới mới”, ông Lukyanov chia sẻ với hãng tin AFP.
Báo Tin Tức