Đoàn rước Nàng Hai về trời. |
Lễ hội Nàng Hai của nhân dân xã Tiên Thành là lễ hội cổ truyền, một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo thể hiện tục lệ cầu mùa, mời các Nàng Hai - tức các con gái của Mẹ Trăng ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp người dân trong công việc. Đồng thời, lễ hội còn gắn với truyền thuyết về nàng công chúa Tiên Dao của nhà Mạc, người khởi xướng ra các làn điệu dân ca giao duyên (lượn slương, lượn hai, phong slư) của mảnh đất Tiên Thành ngày nay.
Điệu Nàng Hai là hình thức hát giao duyên, có thể hát đối đáp mỗi bên hai người hoặc hát đơn (hát đối), song hiện phổ biến là hát đơn ca đối đáp. Điệu Nàng Hai có nội dung phong phú, đa dạng, ca ngợi cuộc sống lao động ở bản làng, vùng quê, tình yêu đôi lứa, hát cầu cho mùa màng bội thu, nhân dân mạnh khỏe. Người hát là những diễn viên không chuyên được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những người dân địa phương hát hay múa dẻo, có thời gian luyện tập công phu. Trang phục biểu diễn được giữ nguyên bản theo trang phục của người Tày địa phương.
Trước khi cuộc vui bắt đầu, già làng, trưởng bản cùng ban tổ chức mời thầy tào ngồi vào mâm làm thủ tục cúng khấn “đưa trăng lên trời” xua đuổi tà ma, quy nạp âm dương, mang về cái may mắn cho muôn dân, đến với mọi nhà, mùa màng tốt tươi, thóc đầy bồ, ngô đầy gác bếp, lợn chật chuồng, trâu mập tròn, gà đầy sân, dân lành no ấm... Tiếp đó, bắt đầu khai hội bằng tiếng hát ngọt ngào, du dương, làm cho người nghe cảm nhận sự tinh tế tha thiết chữ tình của từng câu hát. Càng về khuya, người dự hội càng say sưa như có sức hút diệu kỳ, cứ thế họ thay nhau hát và chúc nhau những chén rượu nồng kéo dài mãi không dứt.
Hát Nàng Hai ra đời trong thời điểm nào thì đến nay câu hỏi vẫn chưa có lời giải, song theo các cụ cao niên ở xã kể lại rằng: Hát Nàng Hai có từ rất lâu, được lưu truyền qua các thế hệ, nối tiếp đời trước cho đến đời sau. Làn điệu Nàng Hai thể hiện sự cởi mở chân tình, đôi khi dí dỏm đắm say. Nó làm cho người với người gắn kết nhau, khăng khít không rời, làm cho con người sống lạc quan, tin yêu cuộc sống. Nhiều trai, gái qua tiếng hát giao duyên trong lễ hội đã quen nhau, tỏ tình, nên duyên vợ chồng.
Cùng với sự độc đáo của hát Nàng Hai, lễ hội còn tạo được nét văn hóa ẩm thực riêng. Đến hội, họ tổ chức “xẻo lèng”, xào, nấu thức ăn từ lòng, phèo lợn để uống rượu mừng ngày hội. Thương nhân bày bán các đồ chơi, trang sức, rồi các hàng nông sản của địa phương như mộc nhĩ, nấm hương, gà, gạo nếp cái hoa vàng; lợn quay cũng được bày bán, giới thiệu. Vì vậy, Lễ hội Nàng Hai thu hút rất đông du khách từ nhiều vùng quê về tham dự, chung vui, tạo được sự giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội tại một vùng quê giàu truyền thống, giữ đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Song, vì lý do nào đó, Lễ hội Nàng Hai tại Tiên Thành dần bị mai một trong lớp trẻ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây, phong trào văn hóa, văn nghệ ở mỗi vùng quê được quan tâm. Cùng với đó, Lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành dần được khôi phục và hoạt động trở lại. Cụ thể, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình khôi phục, tôn tạo, giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống, nhờ đó phong trào văn hóa, văn nghệ ở Tiên Thành nở rộ. Đến nay, xã Tiên Thành đã thành lập được Ban Tổ chức Lễ hội Nàng Hai, tập hợp các nghệ nhân tại địa phương, thành lập đội văn nghệ không chuyên thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con địa phương, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Báo Cao Bằng