Tên tự gọi: Sán Ngải.
Tên gọi khác: Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Hẹ, Sín, Ðản, Lê, Xuyến.
Dân số: 1.035 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).
Lịch sử: Người Ngái có nhiều gốc khác nhau và thiên di tới Việt Nam làm nhiều đợt. Quá trình này diễn ra suốt thời kỳ Trung và Cận đại.
Hoạt động sản xuất: Người Ngái sinh sống trong nội địa lấy việc trồng lúa nước làm nguồn sống chính. Ngoài ra họ còn trồng ngô, khoai, sắn, chăn nuôi... Bộ phận ở ven biển và hải đảo sống bằng nghề đánh cá là chủ yếu. Thủ công nghiệp với các nghề như làm mành trúc, dệt chiếu, mộc, nề, rèn, gạch ngói, nung vôi... cũng đóng vai trò đáng kể trong đời sống của người Ngái.
Ăn: Người Ngái ăn ba bữa trong ngày, thích ăn cháo, thức ăn chủ yếu lá rau... Ưa dùng các loại gia vị như tỏi, ớt, gừng... trong bữa ăn.
Mặc: Y phục thường không thêu thùa. Nam giới mặc quần lá toạ, áo có 2 hoặc 3 túi. Phụ nữ mặc áo 5 thân dài quá mông, cài khuy vải bên nách phải, thích tết tóc cuốn quanh đầu.
Ở: Người Ngái sống phân tán trong các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Họ ở nhà đất với nhiều kiểu kiến trúc và chất liệu lợp mái khác nhau. Bộ phận ở ven biển và hải đảo thường sống ngay trên thuyền.
Phương tiện vận chuyển: Cư dân ở miền núi quen dùng gùi đeo, sọt gánh, còn ở miền biển thì dùng thuyền, xuồng ba lá.
Quan hệ xã hội: Gia đình nhỏ phụ quyền. Quan hệ cộng đồng còn mạnh mặc dù đã xuất hiện sự phân hoá giầu nghèo. Trong mỗi làng bản, vị trí của người tộc trưởng của dòng họ lớn nhất được đề cao và có vai trò lớn trong việc giải quyết các quan hệ làng xóm.
Người Ngái nhận họ và phân biệt chi ngành qua hệ thống tên đệm. Họ vợ, một đại diện chính là ông cậu (khảo), có vai trò quan trọng trong quan hệ thân tộc. Mặc dù vậy dòng họ Ngái vẫn mang tính huyết thống dòng cha.
Cưới xin: Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Nghi thức mỗi đám cưới với hai lần cưới: lần đầu là lễ thành hôn, lần sau là lễ nhập phòng. Tuổi kết hôn sớm, hôn nhân máng tính gả bán cao. Sau đám cưới cô dâu cư trú bên chồng. Chỉ có những trường hợp đặc biệt (nhà gái không có con trai, chú rể đông anh em...) mới có hiện tượng ở rể.
Sinh đẻ: Phụ nữ có mang và sinh nở phải kiêng khem nhiều trong cả ăn uống và hành vi. Trẻ sơ sinh sau 2-3 ngày đã được mẹ cho ăn bột.
Ma chay: Người Ngái quan niệm chết tức là linh hồn chuyển sang sống trong một thế giới khác. Vì thế họ thường chôn theo người chết những đồ tuỳ táng mà khi sống người ta vẫn dùng. Tang lễ có nhiều công đoạn phức tạp: báo tang, nhập quan, chôn cất, mở mả...
Thờ cúng: Tin vào sự tồn tại của hai phần trong con người (thể xác và linh hồn) cũng như sự tồn tại của các thần thánh, linh hồn người). Người ngái thường thờ cúng nhiều đối tượng như tổ tiên, thần, Phật, ma rừng, vong hồn thập loại chúng sinh... Nghi thức cúng mỗi đối tượng khác nhau cùng các loại lễ vật khác nhau. Ðã tồn tại một lớp người chuyên hành nghề tôn giáo.
Lễ tết: Tết Nguyên đán vào đầu mỗi năm mới. Ngoài ra có các tết khác như Hàn thực (3-3 âm lịch), Ðoan ngọ (5-5 âm lịch), Vu lan (15-7 âm lịch), cơm mới (10-10 âm lịch).
Học: Người Ngái nói nhiều thổ ngữ khác nhau của tiếng Hán phương nam song xưa kia ít người biết chữ. Ngày nay, đa số trẻ em đến tuổi đi học đều biết chữ quốc ngữ và tiếng phổ thông.
Văn nghệ: Người Ngái có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ và đặc biệt là loại văn học truyền miệng. Họ có nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ... thể hiện quan niệm của họ về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay còn giàu ý nghĩa nhân bản.
Chơi: Người Ngái thích chơi cù, chơi khăng, đuổi bắt, đánh cầu lông gà, đá cầu chinh và vài trò chơi tập thể khác.
Theo cema.gov.vn