Bài 4 (Bài cuối): Tập trung chế biến sâu, chất lượng cao
Trong chuỗi giá trị của ngành hàng cà phê, việc sản xuất cà phê có chứng nhận, phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản gắn với phát triển xanh và bền vững là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, để gia tăng sức cạnh tranh ngành hàng, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê, việc đầu tư chế biến sâu, xúc tiến thương mại gắn với bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm là giải pháp căn cơ, tất yếu.
Sản xuất cà phê chất lượng cao
Ngành cà phê Việt Nam cũng đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành hàng cà phê trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Theo thống kê, diện tích cà phê có chứng nhận của các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2022 đạt hơn 184.000 ha, chiếm khoảng 28,2% tổng diện tích cà phê toàn vùng.
Tại tỉnh Gia Lai hiện có hơn 36.600 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hơn 12.086 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nhạy bén với thị trường cũng như lựa chọn dòng sản phẩm hữu cơ sạch để xâm nhập vào các thị trường cà phê “khó tính”, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là đơn vị tiên phong trong công cuộc phát triển cà phê hữu cơ ở Gia Lai. Những vườn cây cà phê hữu cơ “kiểu mẫu” được quy hoạch bài bản đã tạo ra được nguồn nguyên liệu đảm bảo, từ đó tạo ra các sản phẩm cà phê xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho rằng, trong xu thế mới, người tiêu dùng sẽ tìm đến các sản phẩm hữu cơ nhiều hơn vì yếu tố có lợi cho sức khỏe. Người nông dân phải tự thay đổi phương thức trồng và chăm sóc cây cà phê; tập trung xây dựng vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, nền nông nghiệp xanh.
Tỉnh Đắk Lắk triển khai chương trình cà phê bền vững có chứng nhận UTZ từ năm 2002 và sau đó lần lượt là các tiêu chuẩn 4C, RFA, FLO, gần đây là cà phê hữu cơ. Đắk Lắk hiện dẫn đầu cả nước về diện tích cà phê áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, với hơn 45.674 ha.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế, quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh, bền vững ở cả 3 khía cạnh là kinh tế, xã hội và môi trường.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản là định hướng của các tỉnh trồng cà phê đang thực hiện nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đang được triển khai tại 8 tỉnh, thành; trong đó, có 5 tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê cả nước.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, triển khai Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, Hiệp hội đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về thu hoạch, chế biến cà phê nhân chất lượng cao và rang cà phê; tổ chức các cuộc thi về cà phê đặc sản, rang cà phê đặc sản mang tầm quốc gia.
Các cuộc thi được tổ chức theo định dạng tổ chức của quốc tế, sử dụng nguyên liệu là cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, đặc biệt chú trọng cà phê nguyên liệu Robusta là mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Hiệp hội kết nối người nông dân, doanh nghiệp và các tác nhân trong chuỗi để phát triển thận trọng, từng bước, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, năm 2016, công ty đã liên kết với các hợp tác xã để sản xuất, chế biến cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao, đào tạo nông dân thay đổi tư duy canh tác, tư duy chế biến, đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi cà phê đặc sản cũng như mạnh dạn giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thành quả, năm 2020, công ty xuất khẩu container cà phê đặc sản đầu tiên với 20 tấn sang thị trường Anh quốc. Năm 2022, một nhà pha chế cà phê nổi tiếng của Nhật sử dụng mẩu cà phê đặc sản Việt Nam tham gia cuộc thi pha chế cà phê quy mô thế giới tổ chức tại Australia… Đây là những “đòn bẩy” để cà phê đặc sản Việt Nam chính thức hội nhập sâu vào thị trường cà phê toàn cầu.
Chế biến sâu gắn với mở rộng thị trường
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,78 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao, giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp về canh tác đầu tư cho chế biến sâu và mở rộng thị trường gắn với bảo vệ thương hiệu là những giải pháp căn cơ, tất yếu để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng cà phê đưa vào chế biến trên 1,5 triệu/năm, với 3 sản phẩm chế biến; trong đó, chế biến cà phê nhân có trên 100 cơ sở với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; chế biến cà phê bột (cà phê rang xay) có 620 cơ sở với tống công suất 73.150 tấn sản phẩm/năm (gần 50% là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình). Riêng chế biến sâu, hiện cả nước mới có 06 nhà máy cà phê hòa tan, 17 nhà máy, cơ sở sản xuất cà phê phối trộn, với tổng công suất khoảng 220.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tỷ lệ 12%.
Hiện nay, ngoài doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn ở trong nước như Vina cà phê, An Thái, G7, Vĩnh Hiệp.... cũng đầu tư công nghệ chế biến cà phê hiện đại tạo nhiều sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Diện tích cà phê của tỉnh hiện có hơn 213 ha, sản lượng trên 526.700 tấn/năm. Hiện nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt hơn 380.000 tấn, kim ngạch đạt 798 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là cà phê nhân, số lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan các năm gần đây có tăng nhưng chiếm tỷ lệ còn thấp. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột… vẫn chưa được xuất khẩu nhiều.
“Cà phê Việt Nam có thể coi là niềm tự hào của người Việt Nam và là nhu cầu không thể thiếu của các quốc gia tiệu thụ, đặc biệt là châu Âu. Chất lượng cà phê Việt Nam hiện được đánh giá rất cao trên thị trường toàn cầu, chất lượng ổn định và đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường. Nhưng hiện nay vẫn bị ép giá do chúng ta chủ yếu bán nhân xô, chưa chế biến sâu nhiều nên thương hiệu quốc gia của cà phê Việt Nam còn hạn chế”, ông Huỳnh Ngọc Dương chia sẻ.
Về chế biến, tỉnh Đắk Lắk hiện có 255 cơ sở chế biến tổng sản lượng khoảng 469.500 tấn cà phê/năm. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 15 dự án đầu tư chế biến cà phê với tổng vốn hơn 1.968 tỷ đồng. Hiện tại, tỉnh đang tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm (đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu tại Việt Nam) đầu tư vào tỉnh.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp đã và đang chủ động kết nối, đầu tư vào chế biến để xuất khẩu cà phê. Nghị quyết 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với những ưu đãi cho các Dự án đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư chế biến sâu.
Hiện nay, việc xây dựng, phát triển thương hiệu chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả, là một nguyên nhân dẫn đến nông sản nói chung và cà phê nói riêng của Việt Nam chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến, vị thế trong thương mại quốc tế của hàng hóa cũng thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), Việt Nam là cường quốc cung cấp cà phê nguyên liệu. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất phải kể đến như: Đức, Italy, Hoa Kỳ, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Philippines, Nga, Trung Quốc, Anh... Dư địa xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn, trong tương lai có thể đạt 6 tỷ USD, thậm chí là 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cà phê.
Đại diện VICOFA cho hay, nguồn cung ước tính vẫn đang ít hơn 600.000 tấn so với nhu cầu thế giới trong năm 2022, đặc biệt là cà phê Robusta, và dự kiến sự thiếu hụt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025. Trong khi đó, các rang xay lớn của thế giới (như JDE, Nestle) cùng các tổ chức quốc tế cũng cam kết tăng mạnh thu mua cà phê có chứng nhận trong các năm tới.
“Để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam, về giải pháp thương mại, cần tiếp tục tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước nhập khẩu; thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin về thị trường”, ông Tuấn kiến nghị.
Bà Lucy Fu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Trung Quốc nhấn mạnh, phần lớn cà phê nhập khẩu ở Trung Quốc đến từ Việt Nam. Xu hướng sử dụng cà phê trong đời sống người dân Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, đặc biệt phổ biến dòng cà phê giá thấp. Nhu cầu sử dụng cà phê vào bữa sáng đang phổ biến hơn đối với giới trẻ và người dân thành thị, đây là phân khúc khách hàng tiềm năng, mở ra cơ hội mở rộng thị trường cà phê và tiêu thụ cà phê của doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc.
Đặc biệt, cà phê hương vị trái cây đang trở thành xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc. Do đó, bà Lucy Fu mong đợi có sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực cà phê.
Cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển thị trường trong nước. Bởi với đất nước gần 100 triệu dân thì dư địa tiêu thụ nội địa là rất lớn.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam sản lượng cà phê chế biến và tiêu thụ trong nước ngày càng tăng. Lượng cà phê nhân được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa ước tính khoảng 250.000 tấn - chiếm 16% tổng sản lượng (so với mức dưới 10% của số liệu trung bình 10 năm gần nhất). Dự báo, lượng cà phê nhân được sử dụng tại thị trường trong nước dự kiến tiếp tục tăng,
Để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam, tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành hàng cà phê.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực.
Cùng đó, chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân. (Hết)
TTXVN