Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền an sinh của người dân

Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền an sinh của người dân

Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia và bảo hiểm y tế cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình lên 50% là đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người thụ hưởng.

Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội của đất nước. Để đảm bảo quyền được an sinh, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người tham gia.

Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình lên 50%

Tính đến hết năm 2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có 2,537 triệu người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế.

Nhóm này chủ yếu tập trung ở các địa phương như: Bắc Giang (331 nghìn người); Nam Định (219 nghìn người); Hà Tĩnh (257 nghìn người); Hà Nam (195 nghìn người), Ninh Bình (155 nghìn người), là những tỉnh thực hiện hỗ trợ thêm cho người tham gia 20% mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương ngân sách chưa hỗ trợ thêm ngoài mức quy định của Nhà nước, nên chưa có người tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng này, như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Bình Thuận, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ông Trần Đình Liệu cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 1179/BHXH-TST đề nghị Bộ Y tế báo cáo, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.

Thực tế triển khai các chính sách an sinh xã hội cho thấy, trong những năm qua, chính sách bảo hiểm y tế đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng đồng hành cùng người dân khi ốm đau, bệnh tật để tiếp tục cuộc sống. “Việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế nêu trên sẽ tạo thuận lợi giúp cho ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, góp phần hoàn thiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta”, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.

Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia

Với mục tiêu phấn đấu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động thuộc khu vực phi chính thức đều được tham gia bảo hiểm xã hội. Sau 12 năm triển khai, đặc biệt từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “bảo hiểm xã hội toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có nhiều bứt phá.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, Thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ đạt trên 277 nghìn người. Nhưng chỉ riêng năm 2019, số người tham gia đã đạt gần 574 nghìn người; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.

Hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,128 triệu người, tăng 554 nghìn người, hơn gấp đôi so với năm 2019. Có khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tuy trong những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Thực hiện kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại văn bản số 2602/UBVĐXH14 về giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, Thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này đã gửi công văn đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục báo cáo, trình Chính phủ sửa Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo hướng tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo đề xuất trên.

Việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia, góp phần hoàn thiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, để mọi người dân đều được tham gia vào lưới an sinh và có chính sách bảo hiểm xã hội chia sẻ, đảm bảo cuộc sống khi về già.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, việc được trợ giúp tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân. Để bảo vệ vững chắc cho bản thân trước những rủi ro không may trong cuộc sống, người dân luôn cần có một điểm tựa an toàn và việc lựa chọn tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chính là lựa chọn tối ưu và an toàn nhất cho mỗi người.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm