Phân loại bưởi tại cơ sở thu mua bưởi ở Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, các mặt hàng quả tươi đặc sản của Việt Nam đã được các thị trường khó tính chấp nhận. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, kể cả thị trường dễ tính như Trung Quốc xuất khẩu ngày càng trở nên khó khăn hơn. Rào cản kỹ thuật này làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường nếu không tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết sản xuất giữa người nông dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã và các cơ quan nghiên cứu khoa học để hình thành các chuỗi giá trị nông sản đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Từ đó, mang lại giá trị bền vững cho các loại trái cây đặc sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho các sản phẩm chủ lực xuất khẩu gắn với việc cấp mã số cùng trồng cũng như thực hiện giám sát, quản lý các mã số vùng trồng đã được cấp để đảm bảo tính bền vững của việc cấp mã số. Ngoài ra, các ngành chức năng địa phương tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng và các đại lý thu gom để đảm bảo an toàn vệ sinh thức phẩm khí đưa ra thị trường. Mặt khác, đẩy mạnh sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP xác định thị trường xuất khẩu để xây dựng quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo ông Lê Văn Đơn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, toàn huyện có hơn 5.000ha diện tích trồng cây đặc sản (chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…) với năng suất trung bình hơn 22 tấn/ha/năm. Theo ông Đơn, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là thế mạnh của trái cây đặc sản Chợ Lách. Toàn huyện có hơn 600ha với 238 hộ đã đạt được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Tuy nhiên, đa số người dân tiêu thụ thông qua thương lái, sản phẩm làm ra đều bán được hết nhưng giá trị bấp bệnh không ổn định do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người nông dân. Do đó, huyện Chợ Lách đang kêu gọi các doanh nghiệp và người nông dân liên kết lại với nhau để tạo mối liên kết sản xuất và tiêu thụ vững chắc hơn; đồng thời, doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình sản xuất của người nông dân, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Từ đó, hình thành vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, tại Bến Tre trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển); trong đó, chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh, nhãn đã được hình thành và phát huy hiệu quả. Từ những kết quả đạt được trong xây dựng các chuỗi giá trị trên, Bến Tre đang tiến hành nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả đến với các sản phẩm khác. Ngoài ra, các ngành chức năng đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp giấy chứng nhận áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Tỉnh Bến Tre có hơn 4.490 ha cây ăn trái và dừa được công nhận GAP và hữu cơ. Tỉnh cũng được cấp 7 mã số vùng trồng, 29 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre, chôm chôm Chợ Lách đã được công nhận. Theo ông Đức, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, kết nối nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng như cầu ngày càng cao với thị trường. Bên cạnh đó, nông dân đóng vai trò chủ thể trong chuỗi giá trị, do đó nâng cao nhận thức thứ cửa người nông dân về hiệu quả chuỗi giá trị mang lại. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất các loại trái cây đặc sản; trong đó, có sự liên kết chặc chẻ với doanh nghiệp thu mua, hình thành các chuỗi giá trị nông sản mang lại lợi ít bền vững cho người nông dân.
Huỳnh Phúc Hậu