Tỉnh Bình Dương phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực năm 2017 có chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Ảnh: soldtbxh.binhduong.gov.vn |
Theo đó, tỉnh Bình Dương phấn đấu từ nay đến năm 2025 có 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở cấp tỉnh, huyện, xã, cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Tỉnh phấn đấu có 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 100% học sinh các cấp, sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung, thời lượng phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, 100% cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách… Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương đưa ra các giải pháp cơ bản như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số; đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả cơ chế báo cáo, thông tin thường xuyên tới lãnh đạo các cấp về công tác bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số... Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 24 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với 6.685 hộ, 22.610 nhân khẩu, chiếm 1,16% dân số toàn tỉnh. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, theo tiêu chí của Trung ương, trên địa bàn tỉnh Bình Dương không còn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Nguyễn Văn Việt