Sở hữu trí tuệ được coi là công cụ pháp lý, giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro trong kiện tụng. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN. |
Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cho biết: Sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sở hữu trí tuệ được coi là công cụ pháp lý, giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro trong kiện tụng bản quyền và cũng là tài sản có giá trị của doanh nghiệp. Sở hữu trí tuệ còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, những ý tưởng mới, sáng tạo trên nền tảng công nghệ sẽ mang lại những lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp. Tuy vậy, với kỹ thuật sao chép nhanh và hiện đại như ngày nay, nếu doanh nghiệp không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ không thể giữ những ý tưởng đó làm tài sản của mình. Ông Trần Giang Khuê nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ được coi là động lực khuyến khích sáng tạo, là công cụ phát triển đột phá và bền vững. Vì thế, cần xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với thế mạnh của bản thân, lợi thế của địa phương và chủ trương, chính sách chung của đất nước. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định rõ gốc rễ của phát triển thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín. Khi có những ý tưởng, sáng kiến mới, cần nhanh chóng liên hệ cơ quan chức năng để được hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cả trong và ngoài nước, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”. Đại diện phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ thông tin: Từ năm 2013, nhận thức tầm quan trọng của cải tiến công nghệ, thành phố bắt đầu triển khai chương trình “Đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến tháng 12/2017, chương trình đã hỗ trợ 23 dự án thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, dược phẩm, chế tạo máy ép gạch không nung… với tổng kinh phí hỗ trợ 5,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 – 2020, chương trình sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến 30% và không quá 500 triệu đồng kinh phí khi thực hiện dự án nghiên cứu, cải tiến đổi mới công nghệ; đến 30% và không quá 500 triệu đồng giá trị hợp đồng mua các bí quyết công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ; đến 30% và không quá 1 tỷ đồng đối với giá trị các dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, có ảnh hưởng tích cực với cộng đồng hoặc sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố. Đây được coi là cơ hội tốt để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoặc thay đổi dây chuyền công nghệ trong sản xuất tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm nâng cấp, đổi mới mình. Từ đó, có thêm nhiều sáng kiến, sáng tạo được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ánh Tuyết