Ngày 10/11, tại thành phố Cà Mau (Cà Mau) đã diễn ra Hội thảo "Cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đồng bào Phật giáo’’ với chủ đề ‘‘Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh’’.
Đây là hội thảo lần đầu tiên dành cho các phật tử tại tỉnh Cà Mau, do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Dự hội thảo còn có đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Y tế, Sở Nội vụ..., và sự hiện diện của hơn 200 cán bộ dân số - y tế, hòa thượng, thượng tọa, đại đức và phật tử tại tỉnh này.
Bác sỹ Huỳnh Văn Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Cà Mau cho biết, Hội thảo cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đồng bào Phật giáo tại tỉnh Cà Mau nhằm hướng tới mục tiêu quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, kêu gọi nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ, các cơ quan, cộng đồng cùng chung tay chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh để phụ nữ và các em gái ở tất cả mọi miền đất nước cũng như tại Cà Mau, trong đó có đồng bào Phật giáo đều có thể nhận được cơ hội như nhau về chăm sóc và giáo dục để phát triển toàn diện.
Đại diện lãnh đạo Ban Trị sự, Chư tăng Chùa Phật Tổ dự Hội thảo. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Cà Mau hiện là địa phương xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ ngày 1/4/2019 thì tổng tỷ suất sinh bình quân của cả nước là 2,09 con, ở tỉnh Cà Mau con số này là 1,9. Tỷ số giới tính khi sinh tại Cà Mau tăng nhanh và cao hơn so với một tỉnh trong cả nước. Cụ thể, năm 2017 là 112,5 bé trai/100 bé gái, năm 2018 là 112,9/100 bé gái, năm 2019 là 113,2/100 bé gái và năm 2020 là 113,5/100 bé gái.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2026 Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu đàn ông. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình và cộng đồng.
Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. "Sức ép kết hôn" sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái...
Bác sỹ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) bày tỏ quan ngại về vấn nạn phá thai nhằm mục đích chọn lựa giới tính khi sinh. Ông Phương mong muốn các chư tăng, phật tử ở Cà Mau phát huy tốt tinh thần ‘‘tốt đạo, đẹp đời’’, mỗi người hãy là một thiện nguyện viên để chung tay cùng các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, hướng tới giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong đồng bào Phật giáo, xóa bỏ bất bình đẳng về giới, đảm bảo các quyền của con người.
Mặt khác, Chi cục Dân số -Kế hoạch hóa gia đình phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành vi của người dân và đồng bào Phật giáo trên địa bàn về thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân số và phát triển. Cán bộ làm công tác dân số, cộng tác viên dân số cơ sở tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nói không với việc phá thai để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng dân số...
Tại Hội thảo, các chư tăng, phật tử bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Tổng cục Dân số -Kế hoạch hóa gia đình và cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với Ban Trị sự, Đạo tràng các chùa trên địa bàn để cung cấp thông tin hữu ích về chính sách dân số và phát triển, mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới..., giúp đông đảo các phật tử thông hiểu và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước./.
Kim Há