Ngày 8/4, Tỉnh Đoàn Quảng Trị phối hợp với tổ chức Plan International (một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm), Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) tổ chức hội thảo giới thiệu nền tảng trực tuyến “Em vui” năm 2022. Qua đó, góp phần triển khai hiệu quả công tác “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số”.
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị Phạm Xuân Khánh, nền tảng “Em vui” là một không gian kỹ thuật số cung cấp nhiều thông tin bổ ích về phòng tránh tảo hôn, nạn mua bán người. Tham gia nền tảng, trẻ em dân tộc thiểu số sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng hữu ích. Bên cạnh đó, đây còn là không gian mở hướng đến sự kết nối và thu hút sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức cùng sử dụng. Qua đó, góp phần lan tỏa các thông điệp, kiến thức hữu ích cho thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước cùng tham gia học tập, giao lưu và chia sẻ kiến thức. Nền tảng cũng là diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan chức năng.
Hiện nay, nền tảng “Em vui” đã có nhiều sản phẩm cung cấp kiến thức hữu ích như: vedeo hướng dẫn chi tiết sổ tay an toàn mạng; các tập phim truyện tranh “Hành trình của Mỹ” với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông về phòng tránh tảo hôn, phòng, chống mua bán người; tài liệu về các chủ đề kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống tảo hôn, kỹ năng phòng, chống mua bán người, sức khoẻ sinh sản… Các sản phẩm này đều đã được dự án đăng tải trên nền tảng “Em vui”, ghi nhận hàng nghìn lượt xem, đọc và tải về.
Tại hội thảo, với tham luận “Giải pháp để tăng cường sử dụng nguồn thông tin, tài nguyên sẵn có của nền tảng 'Em vui' trong các chương trình, hoạt động can thiệp, tuyên truyền phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người”, Phó trưởng phòng Bạn đọc - Công tác xã hội, Báo Quảng Trị Trương Quang Hiệp chia sẻ: Để nền tảng “Em vui” được phổ biến rộng rãi đến đối tượng học sinh ở vùng sâu, vùng xa, trong thời gian tới dự án cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức trên các kênh truyền thông chính thống. Mặt khác, do đời sống của học sinh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn nên cần có phương án hỗ trợ thiết bị điện tử, máy móc cho học sinh Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình, người thân và phụ huynh học sinh để nâng cao hiệu quả trong quá trình sử dụng nền tảng “Em vui” cũng như nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền phòng chống mua bán người và tảo hôn ở Quảng Trị.
Thầy Lê Đức Anh, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Húc, huyện Hướng Hóa trình bày tham luận “Khai thác hiệu quả nền tảng “Em vui” góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động can thiệp, tuyên truyền phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người” đã đưa ra một số giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền học sinh tham gia nền tảng “Em vui” nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ các em sử dụng không gian kỹ thuật số đúng phương pháp để tìm hiểu kiến thức về các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống tảo hôn, mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em trong các hoạt động nhà trường…
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những nội dung cơ bản về nền tảng “Em vui” tới các ngành chứng năng, các địa phương và đoàn viên, thanh niên tại Quảng Trị; trao đổi, thảo luận về những giải pháp thu hút các em thanh thiếu niên tham gia vào nền tảng trực tuyến “Em vui”. Đồng thời, qua đó thống nhất cơ chế phối hợp giữa dự án với chính quyền các cấp, cơ quan đoàn thể, trường học trên địa bàn…
Thanh Thủy