Nâng cao khả năng ứng phó dịch COVID-19 ở khu vực Tây Nguyên

Nâng cao khả năng ứng phó dịch COVID-19 ở khu vực Tây Nguyên

Ngày 12/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức “Hội thảo đánh giá hoạt động chuẩn bị và đáp ứng dịch COVID-19 khu vực Tây Nguyên năm 2020”.

Nâng cao khả năng ứng phó dịch COVID-19 ở khu vực Tây Nguyên ảnh 1Người dân di chuyển từ hướng tỉnh Gia Lai đến Đắk Lắk sát khuẩn tay tại chốt kiểm dịch Cầu 110 - TTXVN phát

Theo báo cáo tại hội thảo, năm 2020, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 3 trường hợp mắc COVID-19, cả 3 trường hợp này đều ở tỉnh Đắk Lắk; các địa phương trong khu vực đã lấy hơn 27.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, cách ly tập trung hơn 8.000 người.

Đánh giá về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 ở Tây Nguyên, các đại biểu cho rằng các tỉnh trong khu vực đã thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế. Bên cạnh đó, hội thảo cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đề ra các giải pháp đáp ứng với yêu cầu chống dịch trong giai đoạn mới.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên Tiến sĩ Viên Chinh Chiến, từ tháng 11/2020 đến 1/2021, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã phối hợp với WHO, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hoạt động “Đánh giá công tác giám sát và đáp ứng dịch COVID-19 tại khu vực Tây Nguyên 2020-2021”. Kết quả đánh giá ghi nhận một số khó khăn, tồn tại như: Giai đoạn đầu của dịch, một số địa phương hầu như giao khoán công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho ngành Y tế; thiếu kinh phí, chuyên gia để triển khai công tác tập huấn ứng phó với dịch bệnh. Tại hệ thống CDC các tỉnh, đội ngũ chuyên trách tham gia phòng chống dịch còn mỏng, trong khi phải phụ trách địa bàn rộng lớn; một số bệnh viện tỉnh thiếu trang thiết bị và cơ sở điều trị chuyên sâu…

Tiến sĩ Viên Chinh Chiến cho rằng, qua những hạn chế trên các tỉnh cần rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và điều phối công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Sở Y tế và CDC phát huy vai trò chủ đạo trong tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh; cần sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các ban, ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và cả cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của lực lượng Cảnh sát khu vực trong công tác điều tra, xác minh, truy vết; tạo các nhóm zalo giữa các tuyến, tổ, đội để kịp thời chia sẻ và cập nhập thông tin trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19. Đối với công tác điều tra, truy vết cần sự huy động nhanh chóng nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là cộng tác viên y tế thôn, buôn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để công tác điều tra, truy viết nhanh và hiệu quả; linh động huy động lực lượng từ các địa phương trong tỉnh để có đủ lực lượng triển khai truy vết thần tốc. Đối với công tác xét nghiệm, cần sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa các đơn vị xét nghiệm của địa phương đang có dịch và sự hỗ trợ xét nghiệm của các tuyến khác để tăng năng lực xét nghiệm đáp ứng dập dịch khẩn cấp; tiến hành gộp mẫu xét nghiệm khoa học, sáng tạo giúp xét nghiệm nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo không để sót những trường hợp bị nhiễm.

Đại diện của ngành Y tế Gia Lai cho biết, trong năm 2020 tỉnh Gia Lai không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19, tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm 2021, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 27 ca mắc COVID-19. Thực tế công tác ứng phó, dập dịch vừa qua tại Gia Lai cho thấy, để nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới cần tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể… trong việc phối hợp với ngành Y tế truy vết thần tốc; huy động các nguồn lực tại chỗ tham gia chống dịch, đặc biệt là sự đồng thuận, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Đại diện ngành Y tế Gia Lai cũng cho rằng, cần xây dựng thêm các điểm xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở y tế khác trên địa bàn để nâng cao công suất xét nghiệm khi cần thiết; tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến để ứng phó kịp thời với các tình huống khi dịch xảy ra...

Theo Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tây Nguyên được đánh giá là khu vực có nguy cơ thấp đối với sự xâm nhập của dịch COVID-19, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro khi khu vực này có nhiều đường biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu với các quốc gia láng giềng; lượng người đến và đi trong khu vực đông. Do vậy, chính quyền địa phương các tỉnh cần nâng cao cảnh giác và tiếp tục chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần triển khai tốt vấn đề ngăn chặn từ bên ngoài, phát hiện sớm từ bên trong, cách ly triệt để những trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng xử lý cũng như điều trị tốt những trường hợp dương tính được phát hiện. Bên cạnh đó, các tỉnh cần chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường hoạt động truyền thông, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm