Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, đến thời điểm này, đa số các tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại. Song, tại một số địa phương, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh vẫn tạm dừng đến trường, đồng thời kích hoạt các phương thức dạy học trực tuyến để duy trì nền nếp và chất lượng học tập. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhằm đánh giá về công tác dạy học trực tuyến cũng như các kịch bản ứng phó trong tình huống học sinh phải nghỉ học kéo dài, do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Sẽ làm bài bản để dạy học trực tuyến trở thành phương thức hỗ trợ thường xuyên
* Thưa Vụ trưởng, hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương chưa thể cho học sinh đi học trở lại sau Tết nguyên đán đã phải kích hoạt phương thức dạy học trực tuyến. So với năm học trước, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai dạy học trực tuyến của các địa phương trong đợt này?
- Có thể nói, trong năm 2020, khi ứng phó với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, ngành giáo dục và các địa phương đã có nhiều giải pháp tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt để hoàn thành chương trình năm học. Với những biện pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự đồng hành của các địa phương, năm học 2019-2020 đã hoàn thành mục tiêu, được các nước đánh giá cao. Cộng đồng xã hội cũng đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo và sự đồng hành của cha mẹ học sinh cùng với nhà trường. Năm 2021, bằng kinh nghiệm, sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ, với sự chủ động của nhà trường, các thầy cô giáo cùng sự phối hợp của cha mẹ học sinh, các địa phương đã kích hoạt những phương thức dạy học trực tuyến bài bản, ngay khi học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh. Bộ cũng hoàn thiện các bước cuối để xây dựng Thông tư về dạy học trực tuyến, dựa trên việc lấy ý kiến và thực tiễn qua 1 năm triển khai. Như vậy, về hành lang pháp lý, Bộ sẽ có những quy định cụ thể dựa trên điều kiện thực tiễn, chắc chắn, chúng ta sẽ có những bước làm bài bản để dạy học trực tuyến trở thành phương thức hỗ trợ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng dạy học trực tiếp và có giải pháp chủ động để ứng phó kịp thời khi có các tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra như dịch bệnh hay các tình huống bất khả kháng khác mà học sinh không thể đến trường.
Dạy học trực tuyến là dạy học song song với dạy học trực tiếp
* Việc dạy học trực tuyến đã phát huy hiệu quả trong thời gian học sinh không thể đến trường. Tuy nhiên, đối với lớp 1, 2, dư luận xã hội cho rằng, việc dạy học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có văn bản tạm dừng việc dạy học trực tuyến đối với các khối lớp này. Vậy ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với vấn đề này như thế nào, thưa Vụ trưởng?
- Trước hết, tôi xin giải thích thêm về việc dạy học trực tuyến, là việc dạy học song song với dạy học trực tiếp, nghĩa là sẽ có những phần, những nội dung được thực hiện mang tính bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp. Ví dụ như, ứng dụng các phần mềm Zalo, email, Facebook và các phương tiện như điện thoại thông minh, máy tính để tương tác với học sinh, hoàn thành một số nhiệm vụ nhằm duy trì thói quen học tập và nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Trong trường hợp, học sinh vì điều kiện bất khả kháng không thể đến trường, hình thức dạy học trực tuyến sẽ thay thế một số nội dung của dạy học trực tiếp. Tùy từng độ tuổi, tùy từng điều kiện của địa phương, tùy từng thiết bị, sự sẵn sàng và các điều kiện đảm bảo về mặt an toàn cũng như đảm bảo chất lượng dạy học, nhà trường, giáo viên sẽ chọn hình thức dạy học như thế nào, áp dụng ở mức nào cho phù hợp. Năm 2020, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo, nêu rõ về các biện pháp dạy học trực tuyến.
Đối với Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo rất đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ. Đối với từng độ tuổi, chúng ta nên áp dụng hình thức dạy học cho phù hợp. Cụ thể, với lớp 1, 2, Hải Phòng có định hướng không tổ chức dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn những nội dung, bài học trên lớp để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đảm bảo chất lượng dạy học theo yêu cầu. Hải Phòng cũng dự đoán được thời gian đi học trực tiếp trong thời gian tới. Do đó, thành phố này chỉ áp dụng những ứng dụng bổ trợ cho dạy học trực tiếp để duy trì thói quen học tập, chứ không thay thế hoàn toàn. Như vậy, không phải dừng hẳn việc dạy học trực tuyến đối với lớp 1, 2 mà ứng dụng ở các mức độ khác nhau, đảm bảo được chất lượng dạy học và yếu tố an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Có thể điều chỉnh thời gian kết thúc năm học một cách linh hoạt
* Hiện nay (24/2), đa số các tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn phải cho học sinh nghỉ học do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh gì về chương trình, kế hoạch dạy học để đồng nhất các tỉnh, thành phố trên cả nước?
- Hiện nay, theo giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có 51 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại. Trong tuần tới, bắt đầu từ 1/3, dự kiến có thêm 8 tỉnh cho học sinh đi học trở lại. Như vậy, nếu tính trên toàn quốc, đại đa số các tỉnh, thành phố đã có phương án cho học sinh đi học trở lại từ 1/3. Theo quyết định về khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian kết thúc nội dung học tập sẽ là 25/5, thời gian kết thúc năm học là 31/5. Đến ngày 16/1, các nhà trường đã hoàn thành nội dung học tập học kỳ I. Đồng thời, trước Tết Nguyên đán, học sinh đã học được từ ngày 18/1-5/2, như vậy, học kỳ II đã học được 3 tuần. Theo khung chương trình, các em bắt đầu học từ 1/3 đến ngày 25/5 và thêm 1 tuần đến ngày 31/5 là thời gian hoàn toàn đủ để các nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp hoàn thành chương trình.
Giả sử, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp sau ngày 15/3, có một số địa phương hay địa bàn nào đó vẫn chưa thể cho học sinh đi học trở lại, Bộ sẽ tính toán đối với từng cấp học để có chỉ đạo cụ thể. Ví dụ, đối với học sinh lớp 12 phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi vào lớp 10, Bộ sẽ có những chỉ đạo phù hợp để thống nhất lịch chung, giúp các em có thể tham gia kỳ thi đúng theo khung thời gian.
Riêng với Tiểu học, nếu trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp xảy ra tại một địa phương nào đó, dựa trên khung thời gian năm học, Bộ sẽ có hướng dẫn điều chỉnh thời gian kết thúc năm học một cách linh hoạt. Đặc biệt với lớp 1, năm học này là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ sẽ có những chỉ đạo riêng để các nhà trường dạy học theo nội dung chương trình và sách giáo khoa một cách đầy đủ, từ đó có những đánh giá toàn diện sau một năm triển khai thực hiện nhằm có những điều chỉnh, bổ sung cho các lớp tiếp theo. Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ để chỉ đạo thực hiện tổ chức dạy học linh hoạt với học sinh lớp 1, có thể học bù, học tăng cường để đảm bảo nội dung chương trình, đảm bảo yêu cầu đầu ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 triển khai 36 chủ đề học tập trên truyền hình song hành cùng với các em lớp 1 học môn tiếng Việt. Các chủ đề này sẽ bổ trợ cho các em đọc thông, viết thạo khi học sinh lớp 1 bị gián đoạn việc học do dịch COVID-19. Phụ huynh có thể hỗ trợ học sinh học tập 36 chủ đề này trên các ứng dụng như Youtube, Zalo, kênh phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và các đài truyền hình địa phương, giúp các em ôn tập lại các bài học âm, học vần, đọc thông, viết thạo trước khi lên lớp 2.
* Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!
Việt Hà (thực hiện)