Sâm Ngọc Linh - Quốc bảo của Việt Nam có 52 hợp chất saponin, cao hơn cả những loại sâm nổi tiếng trên thế giới như sâm Hàn Quốc hay sâm Triều Tiên. Cũng chính vì sự quý hiếm nên giá thành khá cao, chưa nhiều người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được loại sâm quý. Chính vì vậy, việc tạo ra các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh để sâm tiếp cận được mọi người dân là mục tiêu mà các doanh nghiệp trong tỉnh Kon Tum đang tập trung hướng đến. Việc ra sản phẩm được chế biến từ sâm sẽ góp phần nâng cao giá trị cho một trong những loại sâm quý nhất trên Thế giới này.
Đang dạng sản phẩm
Là đơn vị tiên phong trong việc phát triển Sâm Ngọc linh, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với thương hiệu sâm Ngọc Linh K5 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô đã tiến hành nghiên cứu và trồng Sâm Ngọc linh tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Việc làm này đã đánh dấu sự “hồi sinh” mạnh mẽ của cây Sâm Ngọc linh sau một thời gian dài bị rơi vào nguy cơ tuyệt chủng do nạn khai thác quá đà. Đến nay, sau 25 năm, từ mong muốn ban đầu là giữ được một loại dược liệu quý cho địa phương, vườn sâm của công ty trên đỉnh núi Ngọc Linh đã phát triển lên tới hàng ngàn héc-ta. Mỗi năm sản xuất hàng triệu cây giống để mở rộng diện tích và cung cấp cho người dân trong vùng, chính thức giúp sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Sau thời gian dài bảo tồn, những năm qua, các doanh nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm được chế biến từ sâm. Cụ thể, ngoài sản phẩm sâm Ngọc Linh khai thác nguyên cây, củ, các doanh nghiệp trồng sâm đã đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Trong đó, nổi bật và đi đầu là sản phẩm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum như nước tăng lực Night Wolf, nước uống dưỡng da Noliko, Tổ yến sâm, dịch chiết xuất từ sâm, rượu sâm Ngọc Linh K5, mật ong sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh hay phở sâm…
Theo ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, việc tạo ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có giá thành hợp lý sẽ giúp đa phần người dân có thể mua được. Từ đó, bổ sung các thành phần quý từ sâm Ngọc Linh cho cơ thể, tăng cường sức khỏe cho bản thân và gia đình.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học vào sản xuất, nỗ lực nhân rộng vùng sâm Ngọc Linh, đưa sâm Ngọc Linh thành những sản phẩm có giá thành phù hợp với người tiêu dùng, giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận, sử dụng cải thiện sức khoẻ. Sau khi đủ cho người tiêu dùng trong nước, chúng tôi sẽ hướng đến xuất khẩu”, ông Trần Hoàn khẳng định.
Giúp dân thoát nghèo bền vững
Không chỉ trồng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ Sâm Ngọc linh, thời gian qua tỉnh Kon Tum cũng đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ giống sâm để giúp dân phát triển loại cây trồng này. Đây được xem là cách giúp dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Cụ thể, nhiều năm qua Công ty Cổ phần Sâm Ngọc linh Kon Tum luôn đồng hành với người dân trong việc hỗ trợ, giúp dân trồng sâm. Cụ thể mỗi năm công ty hỗ trợ ít nhất 10.000 cây giống với giá trị hàng tỷ đồng để dân trồng. Việc mỗi năm hỗ trợ cả chục nghìn cây giống đã giúp đồng bào dân tộc ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei mở rộng diện tích trồng sâm. Đến nay, diện tích trồng Sâm Ngọc linh của huyện Tu Mơ Rông lên 1.687,7 ha, chiếm xấp xỉ 96,5% tổng diện tích Sâm Ngọc linh của toàn tỉnh. Trong đó, trồng mới trong năm 2022 là 496,40 ha, đạt 101,3% so với kế hoạch giao.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch là con đường thoát nghèo duy nhất của huyện. Trong đó, cây dược liệu nói chung và cây Sâm Ngọc linh là định hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho bà con Xơ Đăng. Giai đoạn 2020 – 2022, toàn huyện có 1.947 hộ thoát nghèo, có sự đóng góp không nhỏ từ cây Sâm Ngọc linh. Trong đó, xuất hiện nhiều “tỉ phú” người Xơ Đăng nhờ vào trồng Sâm Ngọc linh.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, về quy hoạch, huyện sẽ trồng được khoảng 10.000 ha trồng Sâm Ngọc Linh và hàng trăm nghìn ha trồng được liệu khác. Chính vì vậy, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao như Sâm Ngọc linh hay các loại dược liệu. Đồng thời, huy động, lồng ghép nguồn vốn để hỗ trợ người dân; vận động hình thành Hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp phát triển dược liệu, du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá tiềm năng, lợi thế để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư...
Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp sức nhằm phát huy hơn nữa giá trị quý hiếm của loài Sâm Ngọc linh.
Trong khi đó, Tiến sỹ Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Chính phủ phê duyệt có nội dung đưa cây dược liệu vào, trong đó có sâm Ngọc Linh. Bộ Y tế đã giao cho Viện Dược liệu tư vấn cho các địa phương về vùng trồng cũng như quy hoạch được trung tâm giống để cung cấp giống Sâm Ngọc linh cho các vùng trồng.
“Với chuyên môn, lĩnh vực của mình, Viện Dược liệu sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như các cơ quan đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển Sâm Ngọc linh, cùng đồng hành để đưa cây Sâm Ngọc linh phát triển hơn nữa trong tương lai”, Tiến sỹ Phan Thúy Hiền nhấn mạnh.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như quyết tâm phát triển Sâm Ngọc linh của tỉnh Kon Tum và các doanh nghiệp, sâm Ngọc Linh chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “Quốc bảo của Việt Nam” như Thủ tướng Chính phủ đã ban tặng cho sâm Ngọc Linh. Qua đó, nâng cao giá trị của Sâm Ngọc linh, đưa các sản phẩm từ một loại sâm quý của Việt Nam đến tay của mỗi người tiêu dùng Việt.
Dư Toán