Thời điểm này, Na Chi Lăng bước vào chính vụ thu hoạch nên bà con nông dân trồng na ở các xã vùng núi đá huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn thức giấc từ sáng sớm, tất bật lên núi thu hái những quả na căng mọng, sắp "mở mắt" để đưa xuống các chợ thu mua tập trung ngay dưới chân núi.
Tại chợ na Lân Giao (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) – một khu chợ dân sinh nằm bên Quốc lộ 1A (cũ) được ví như "bến cảng" của na. Giữa lúc còn trời nhá nhem sáng, ánh sáng chưa đủ nhìn rõ mọi vật, chợ đã đông nghẹt người. Tại đây, những thúng na cỡ nửa tạ nặng trĩu lần lượt được chuyển bằng ròng rọc từ trên núi xuống băng qua những thung lũng nhỏ với vô số mỏm đá tai mèo sắc nhọn.
Phía dưới, người dân nhanh chóng buộc những thúng na lên xe máy hoặc chất lên xe kéo đến nơi tiêu thụ. Ngay cả khi không có phương tiện chuyên chở na, thì tại đây luôn sẵn các chủ buôn, thương lái để thu mua na cho bà con. Việc vận chuyển, mua bán diễn ra chóng vánh, vậy nên, chợ Lân Giao chỉ sầm uất mua bán na từ 5 – 9 giờ sáng.
Lần đầu tiên đến Chi Lăng để thưởng thức hương vị ngọt ngào của Na núi đá, chị Nguyễn Thị Chanh (khách du lịch tỉnh Lai Châu) phấn khởi cho biết, đến vùng na Chi Lăng vô cùng ngạc nhiên trước cách vận chuyển na từ núi xuống mà vẫn bảo quản được những quả na đẹp và chất lượng. Những quả na được xếp vào từng thùng, từng giỏ vẫn đảm bảo được thẩm mỹ mà không bị hỏng, dập. Thưởng thức na chín cây vừa được thu hái từ núi xuống cũng là cảm giác rất đặc biệt. Tôi nghĩ nếu triển khai thêm việc cho khách du lịch trải nghiệm hái na tại vườn thì đó sẽ là hoạt động rất tuyệt vời...
Anh Vi Văn Viễn, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Chăm sóc na cũng rất vất vả, để quả ra đúng vụ, bà con phải lên núi tỉa cành, làm cỏ, vun đất từ trong Tết Nguyên Đán. Trước kia, nhiều người chưa biết về na Chi Lăng, nên thị trường tiêu thụ cũng chưa rộng. Người nông dân phải tự thu hoạch rồi đem ra chợ bán. Còn giờ đây thương hiệu dần được khẳng định; nhiều vườn na được thương nhân, chủ buôn bao gọn ngay từ đầu, người dân cũng chỉ cần thu hái mà không lo đầu ra sản phẩm.
Theo đánh giá từ các hộ nông dân, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện rất tốt để cây na sinh trưởng và phát triển; nhiều quả to và mẫu mã đẹp nên giá bán cũng ổn định. Giá na đầu vụ được các thương nhân thu mua với giá từ 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại; giá bán lẻ na dai Chi Lăng loại quả mẫu mã đẹp đầu vụ có giá từ 55.000– 60.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 80.000 đồng/kg.
Thoăn thoắt cân đếm những thúng na vừa kéo từ trên núi xuống, chị Hoàng Minh Phương – một tiểu thương thu gom na có tiếng trong vùng xã Chi Lăng hơn chục năm nay và nhiều năm kinh nghiệm trồng na thông tin: Na thường được bà con hái vào sáng sớm khi vỏ quả chuyển từ màu xanh, mắt sâu sang màu xanh vàng, quả tròn, mắt to, các kẽ trắng rộng, da có màu xanh non. Quả na thu hái xong luôn được để ở những nơi râm mát. Để đến tay người tiêu dùng phải luôn chú ý trong đóng gói, xếp cuống quả na phải quay xuống dưới, thao tác nhẹ nhàng tránh làm quả na bị thâm đen và mất phấn. Khi vận chuyển thì phải hết sức chú ý, đóng thùng đúng cách, tránh va đập mạnh gây tổn thương cho quả.
Góp phần đảm bảo kinh tế cho người trồng, ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có những định hướng phát triển sản xuất tập trung, truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, đến nay tổng diện tích trồng na trên địa bàn là hơn 2.500 ha; trong đó, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đạt khoảng 740 ha, có 4 sản phẩm na Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.
Vụ na năm 2024, huyện Chi Lăng ước tính sẽ đạt sản lượng khoảng 24.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ). Na Chi Lăng chủ yếu được trồng trên núi đá dốc, hiểm trở, đất thường bị rửa trôi xói mòn mạnh, nhanh bạc màu, bởi vậy các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đồng bộ luôn được bà con và chính quyền địa phương quan tâm, hướng đến tăng sự đậu quả, chất lượng và mẫu mã quả.
Ông Lương Thành Chung – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị cùng phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các xã thị trấn để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và sản lượng như thụ phấn, tỉa cành, bón phân; sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh; đặc biệt chú trọng việc bẫy bả ruồi vàng trên toàn bộ diện tích. Ngoài ra, huyện Chi Lăng cũng luôn chú trọng xây dựng hình ảnh na Chi Lăng, thông qua việc tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu nông sản; tổ chức truyền thông thương hiệu na, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩ qua các gian hàng nông sản trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Chi Lăng là huyện có diện tích trồng na lớn nhất tỉnh Lạng Sơn; tập trung hầu hết ở 8 xã, thị trấn núi đá của huyện như Mai Sao, Chi Lăng, Vạn Linh, Thượng Cường, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng. Na Chi Lăng nổi tiếng với chất lượng quả to đều, căng mịn, mắt na trắng hồng, cùi dày, ngọt thanh và ít hạt.
Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Chi Lăng.
Nguyễn Quang Duy