Mỹ - Triều bí mật tiến hành ngoại giao "kênh 2"

Mỹ - Triều bí mật tiến hành ngoại giao "kênh 2"
Mỹ - Triều bí mật tiến hành ngoại giao "kênh 2" ảnh 1
Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân
của Triều Tiên Ri Yong Ho trong cuộc họp báo thông báo về kết quả
cuộc gặp tại Singapore tháng 1/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia và cựu quan chức Mỹ đã bí mật gặp gỡ một vài lần các quan chức cấp cao Triều Tiên trong năm nay, và một vài trong số họ cho rằng chính quyền ông Kim Jong-un đã sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.

Chính phủ Mỹ và phía Triều Tiên vẫn chưa tổ chức cuộc đối thoại chính thức nào kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha đẻ của ông qua đời năm 2011. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn lặng lẽ duy trì liên lạc với Washington trong các cuộc đối thoại “kênh 2”. 

Bình Nhưỡng đôi lúc cử các nhà ngoại giao cấp cao đến các cuộc đối thoại này. Thành phần tham dự phía Mỹ bao gồm các cựu quan chức và chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên và hạt nhân. Các cuộc gặp đã diễn ra ở Berlin, Singapore và Bắc Kinh.

Triều Tiên đã quyết liệt đẩy nhanh nhịp độ các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền, trong đó có vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm thành công hồi tuần trước. Quan điểm chung trong chính quyền Washington đó là không thể có cơ hội đối thoại thực sự với chế độ ông Kim Jong-un.

Mỹ - Triều bí mật tiến hành ngoại giao "kênh 2" ảnh 2
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại Đại hội Đoàn thanh niên lần thứ 9.
Ảnh: YONHAP/TTXVN
Tuy nhiên, đó chính là nguyên nhân gây tranh cãi giữa các quan chức chính quyền và chuyên gia Mỹ, những người đang đối thoại với các quan chức Triều Tiên. Joel Wit, chuyên gia hạt nhân tại Viện Mỹ-Hàn, nói: “Vấn đề chính mà họ quan tâm đó là thay thế thỏa thuận ngừng bắn hiện nay bằng một hiệp ước hòa bình. Trong bối cảnh đó, họ sẽ sẵn sàng đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Họ đã nói tương đối rõ ràng rằng họ sẵn sàng thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân của họ trong trường hợp có một hiệp ước hòa bình”. 

Ông Wit đã tới Berlin hồi tháng 2/2016 cùng các chuyên gia Mỹ khác và gặp gỡ Ri Yong Ho, người được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Triều Tiên vào tháng 5/2016. Ông Wit nói rằng phái đoàn Triều Tiên đã bày tỏ dấu hiệu rằng cánh cửa nối lại đàm phán đang rộng mở.

Robert Carlin, cựu quan chức Mỹ và là nhà đàm phán với phái đoàn Triều Tiên, cũng có mặt trong chuyến đi tới Berlin. Tháng 7/2016, ông Carlin đã viết một bài báo phân tích một tuyên bố mới của Triều Tiên mà trong đó Bình Nhưỡng cũng bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ khác mới đây gặp phái đoàn Triều Tiên đang phân vân không rõ có phải cánh cửa đàm phán đã thực sự mở ra hay không. Victor Cha, quan chức cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, cũng có mặt trong cuộc đối thoại với ông Wit và Carlin song lại đưa ra kết luận ngược lại. 

Ông nói: “Họ không tỏ ra là đang nói chuyện với tư cách các quan chức có thẩm quyền. Họ dường như chỉ nói ra những điều đang bàn cãi”. Ông Cha cho rằng những tuyên bố mới đây của phái đoàn Triều Tiên không khác những gì chính quyền nước này đề cập trước đây và rằng những ai coi đó là các dấu hiệu cho thấy quan điểm mới cởi mở hơn của Bình Nhưỡng là đang mơ tưởng.

Những thông tin không chính thức cho biết Sung Kim, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên, đã gặp Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hiu bên lề một cuộc hội thảo bí mật tại Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, ông Choe nói rằng Bình Nhưỡng sẽ không thảo luận việc từ bỏ các cơ sở hạt nhân hiện có, nhưng có thể thỏa thuận về việc chấm dứt xây dựng các cơ sở hạt nhân trong tương lai.

Nhiều người tại Washington, trong đó có các quan chức Nhà Trắng, cho rằng Triều Tiên không có ý định tôn trọng các cam kết đưa ra trước đây về việc phi hạt nhân hóa. Mùa Hè này, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng để phản ứng trước việc nước này tiếp tục thử bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Có thể không còn thời gian cho một cuộc đối thoại mới với Triều Tiên để thúc đẩy các tiến bộ trước khi chính quyền Obama mãn nhiệm. Trong trường hợp cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đắc cử, các trợ lý của bà cho biết họ sẽ tập trung vào việc gia tăng sức ép đối với ông Kim Jong-un bằng các lệnh trừng phạt mới trước khi theo đuổi đàm phán. Đây là quân bài từng được sử dụng với Iran.

Tuy nhiên, Triều Tiên không phải là Iran và với việc chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc cùng khả năng có thể sở hữu tới 79 vũ khí hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Clinton hoặc ông Donald Trump (khoảng 4 năm nữa) thì việc trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên sẽ không có nhiều tác dụng.

Nếu Triều Tiên đã gửi tín hiệu muốn nói chuyện thì Chính quyền Mỹ cần tìm hiểu tính khả thi. Đồng thời, nếu Triều Tiên nghiêm túc, họ phải phát đi những tín hiệu rõ ràng hơn, thể hiện sự thiện chí hơn.

Có thể bạn quan tâm