Hai xe trong tổ hợp tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 của Nga.
|
Tạp chí "The National Interest" mới đây có bài viết nhận định, sau Chiến tranh Lạnh Mỹ đã ngừng phát triển nghiên cứu các phương tiện chiến tranh điện tử và hiện Washington cần xem xét lại phương hướng chiến lược quân sự để đối phó với năng lực tác chiến điện tử của Nga. Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, Tướng Philip Breedlove đã nêu lên hai lý do dẫn tới khoảng cách trong tiềm năng tác chiến điện tử của Moskva và Washington. Thứ nhất, 20 năm trước, Nga và Mỹ là đối tác và người Mỹ đã không chú tâm tới các nghiên cứu của Nga. Thứ hai, trong những năm gần đây, Mỹ chủ yếu chiến đấu với các lực lượng phiến quân như Taliban hoặc al-Qaeda, và Washington hầu như không nắm vững phương tiện tác chiến điện tử. Theo ông Breedlove, Washington sở hữu các hệ thống chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), nhưng cơ chế làm việc trong khuôn khổ chiến lược này chưa được quân đội Mỹ nghiên cứu đầy đủ. "The National Interest" nhận định Nga theo dõi giới quân sự Mỹ từ thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và đã học hỏi được rất nhiều. Theo tạp chí này, Moskva đã đầu tư vào các phương tiện phát hiện yếu điểm của quân đội Mỹ.