Múa Tắc xình, nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Sán Chay

Múa Tắc xình là một nghi thức tâm linh quan trọng trong lễ hội Cầu Mùa ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, được bảo lưu, gìn giữ từ bao đời nay. Với những giá trị to lớn của di sản, Múa Tắc xình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ảnh 7.1.jpg
Việc bảo tồn gìn giữ Múa Tắc xình-Nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Sán Chay góp phần nâng cao ý thức, nhận thức về bản sắc của dân tộc, cũng như phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững

Bảo tồn gìn giữ nghệ thuật dân gian độc đáo

Múa Tắc xình là nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính tâm linh quan trọng trong lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay để tạ ơn trời đất, thần linh đã cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, lúa ngô được mùa và cầu khẩn sự che chở của thần linh cho mùa vụ tiếp theo. Điệu múa này có 09 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Do hội tụ các yếu tố của trình diễn dân gian, trải qua thời gian dài tồn tại, phát triển múa Tắc Xình đã được cộng đồng người Sán Chay thừa nhận và lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, góp phần vào sự đa dạng văn hóa trong vườn hoa văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ảnh 7.2.jpg
Múa Tắc xình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ năm 2017, huyện Phú Lương đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với phát triển du lịch cộng đồng” tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng với nhiều hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể.

Đồng thời, huyện Phú Lương còn xây dựng, phát triển các vùng chè đặc sản, các nương chè đẹp, vùng sản xuất chè an toàn để du khách tham quan và trải nghiệm…Đến nay, dự án bước đầu đã phát huy hiệu quả khi thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa tại địa phương.

Ông Hầu Văn Nhân, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, cho biết đến với điểm du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm, du khách được hòa mình vào nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm nét tâm linh trong lễ hội Cầu mùa, hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình… cũng như cách pha trà, thưởng trà trong một không gian văn hóa đầy màu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Sán Chay.

Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mô hình du lịch cộng đồng còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

Tạo động lực để bà con phát triển kinh tế xã hội

Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy múa Tắc Xình, dân tộc Sán Chay, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên” qua đó nhằm khuyến khích, động viên bà con Nhân dân tham gia các chương trình tập huấn, tham gia các hoạt động liên quan đến bảo tồn gìn giữ văn hoá. Tạo động lực tinh thần, đoàn kết và đồng thuận, động lực để bà con phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức về bản sắc của dân tộc, từ đó gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Ảnh 7.3.jpg
Đại diện xóm Đồng Tâm tặng bộ nhạc cụ gõ của dân tộc Sán Chay cho Bản tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam

Lớp trao truyền được tổ chức tại địa chỉ xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, tại đây các nghệ nhân am hiểu về các điệu múa Tắc Xình thực hiện công việc truyền dạy cho 50 học viên là người dân trên địa bàn của xã Tức Tranh, học sinh Trường THCS và THPT Tức Tranh.

Trong đó, học viên cao tuổi nhất hiện trên 50 tuổi và học viên nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi. Tại mỗi lớp học, các học viên đã được truyền dạy, hướng dẫn thực hành một số điệu múa Tắc Xình truyền thống; tìm hiểu về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa của các điệu múa, cách chế tác nhạc cụ bằng tre, mai và biểu diễn nhạc cụ.

Em Nguyễn Thị Thuý Ngân, học sinh lớp 12A1 trường THPT Tức Tranh, huyện Phú Lương chia sẻ: Em thấy điệu múa Tắc xình rất độc đáo, là một nét văn hoá đẹp của đồng bào người Sán Chay trên địa bàn. Do đó em đã tham gia lớp học trao truyền để có thêm hiểu biết về cội nguồn cũng như gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Ông Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam khẳng định: Thông qua chương trình của lớp học đã giúp các học viên hiểu được về lịch sử, cội nguồn cũng như các nội dung và ý nghĩa hình thức biểu diễn của những điệu múa Tắc Xình trong đời sống văn hóa của cộng đồng người dân tộc Sán Chay.

Trong thời gian tới, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ lên chương trình, kế hoạch, để đưa các nghệ nhân về truyền dạy lại điệu múa cho cán bộ của Bảo tàng, hiện nay đơn vị đã có thể trình diễn một số trích đoạn tiêu biểu trong điệu múa này để biểu diễn cho khách tham quan xem. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân để nghiên cứu sâu và tiếp tục các chương trình bảo tồn nghiên cứu về sau.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)
Dân tộc Sán Chay Dân tộc Sán Chay

Tên tự gọi: Sán Chay

Tên gọi khác: Hờn Bán, Chùng, Trại...

Nhóm địa phương: Cao Lan và Sán Chỉ.

Dân số: 169.410 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng Cao Lan thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai) còn tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán Tạng).

Lịch sử: Người Sán Chay từ Trung Quốc di cư sang cách đây khoảng 400 năm.

Hoạt động sản xuất: Là cư dân nông nghiệp, làm ruộng nước thành thạo nhưng nương rẫy vẫn có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế và phương thức canh tác theo lối chọc lỗ, tra hạt vẫn tồn tại đến ngày nay. Ðánh cá có vị trí quan trọng. Với chiếc vợt ôm và chiếc giỏ có hom việc đánh cá đã cung cấp thêm nguồn thực phẩm giàu đạm, góp phần cải thiện bữa ăn.

Ăn: Người Sán Chay ăn cơm tẻ là chính. Rượu cũng được dùng nhiều, nhất là trong ngày tết, ngày lễ. Ðàn ông thường hút thuốc lào. Phụ nữ ăn trầu.

Mặc: Phụ nữ mặc váy chàm và áo dài có trang trí hoa văn ở hò áo và lưng áo. Thường ngày, chỉ dùng một thắt lưng chàm nhưng trong ngày tết, ngày lễ họ dùng 2-3 chiếc thắt lưng bằng lụa hay nhiễu với nhiều màu khác nhau.

: Người Sán Chay cư trú ở các tỉnh Ðông Bắc nước ta. Họ sống trên nhà sàn giống nhà của người Tày cùng địa phương.

Phương tiện vận chuyển: Người Sán Chay thường đeo chiếc túi lưới ở sau lưng theo kiểu đeo ba lô.

Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, ruộng đất dần dần trở thành tư hữu hoá và phân hoá giai cấp ngày càng rõ rệt. Trong xã hội đã xuất hiện địa chủ và phú nông. Tuỳ theo từng địa phương, chính quyền thực dân phong kiến đặt ra một số chức dịch như quản mán, tài chạ, quan lãnh... Bên cạnh đó có tổ chức tự quản ở các bản do dân bầu ra gọi là khán thủ. Có nhiều dòng họ, trong đó có những dòng họ lớn, đông dân như Hoàng, Trần, La, Ninh. Các chi họ và nhóm hương hoả giữ vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng.

Cưới xin: Trước khi đón dâu, lễ vật và trang phục của những người đi đón được tập trung lại ở giữa nhà để quan lang làm phép. Khi xuất phát, quan lang đứng dưới giọt giang giương ô lên cho mọi người đi qua. Trên đường về nhà chồng, cô dâu phải đi chân đất. Sau khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến lúc sắp đẻ mới về ở nhà chồng. Ông mối được cô dâu, chú rể quý trọng, coi như bố mẹ và khi ông mối chết phải để tang.

Sinh đẻ: Trong vòng 42 ngày sau khi đẻ cấm người lạ vào nhà. Nếu ai đó lỡ vào mà sau đó trẻ sơ sinh bị ốm thì phải đem lễ vật đến làm lễ cúng vía. Sau khi đẻ 3 ngày tổ chức lễ ba mai.

Ma chay: Ðám ma do thầy tào chủ trì gồm nhiều nghi lễ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ðạo giáo và Phật giáo. Ðặc biệt ngôi nhà táng được làm rất công phu và đẹp.

Làm nhà mới: Việc chọn đất, chọn hướng và chọn ngày giờ để làm nhà mới rất được người Sán Chay coi trọng.

Thờ cúng: Trong nhà người Sán Chay có rất nhiều bàn thờ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn thờ trời đất, thổ công, bà mụ, thần nông, thần chăn nuôi... Phổ biến nhất là thờ Ngọc Hoàng, Phật Nam Hoa, Táo Quân.

Lễ tết: Họ ăn tết như người Tày.

Lịch: Người Sán Chay theo âm lịch.

Học: Người Sán Chay sử dụng chữ Hán trong cúng bái và chép bài hát.

Văn nghệ: Ngoài kể chuyện cổ tích, đọc thơ, người Sán Chay còn yêu thích ca hát. Phổ biến hơn cả là sình ca, lối hát giao duyên nam nữ gồm 2 loại: hát ở bản về ban đêm và hát trên đường đi hoặc ở chợ. Bên cạnh đó còn có ca đám cưới, hát ru...

Chơi: Ðánh cầu lông, đánh quay là những trò chơi phổ biến của người Sán Chay. Trong ngày hội có nơi còn biểu diễn trò "trồng chuối", "vặn rau cải".

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm