Những năm gần đây, mô hình nuôi bò sữa ở nước ta ngày càng phát triển nên việc thực hiện an toàn dịch bệnh trên đàn bò sữa đã được người dân các địa phương đặc biệt quan tâm. Để quản lý tốt dịch bệnh trong chăn nuôi bò sữa, đồng bào cần lưu ý một số giải pháp sau:
Quản lý dịch bệnh và điều trị bệnh:
Khi điều trị bệnh, cần ghi chép thông tin đầy đủ về dịch bệnh, tên thuốc, liều lượng, lý do dùng, thời gian dùng, người điều trị, thời điểm ngưng thuốc. Không bán bò trong thời gian cách ly thuốc. Khi phát hiện bò chết phải báo với cán bộ kỹ thuật để có biện pháp xử lý. Việc sử dụng thuốc và vaccine phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan thú y, cán bộ thú y và nhà sản xuất. Vaccine và một số kháng sinh phải được bảo quản lạnh theo hướng dẫn, chỉ lấy ra khi sử dụng. Cần có kế hoạch cụ thể về việc sử dụng vaccine, thuốc thú y và phải lập bảng kế hoạch sử dụng thuốc. Khi điều trị bệnh cần phải cách ly để phòng ngừa lây lan khi bò có biểu hiện bệnh. Ghi chép tất cả các thông tin liên quan đến quá trình điều trị. Trong trường hợp không thể chuyển ra khu cách ly riêng thì phải đưa vào ô chuồng riêng. Không được sử dụng những kháng sinh nằm trong danh mục cấm của Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cần tuân thủ tuyệt đối thời gian ngừng sử dụng kháng sinh trước khi khai thác sữa hay giết thịt.
Phòng bệnh:
Định kỳ kiểm tra sức khỏe và có lịch tiêm phòng các bệnh chính theo quy định hiện hành (tụ huyết trùng, lở mồm long móng...), các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (lao, sảy thai truyền nhiễm, xoắn trùng, bệnh ký sinh trùng đường máu...). Tùy theo tình hình dịch tễ của vùng để có yêu cầu cụ thể về quy trình phòng bệnh. Với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine cho bò sữa, bao gồm các bệnh sau: lở mồm long móng, tụ huyết trùng; các bệnh truyền nhiễm, truyền lây giữa động vật và người phải giám sát định kỳ đối với bệnh: sảy thai truyền nhiễm, lao bò, xoắn khuẩn…
DTMN