Cây chuối bị nhiễm bệnh thường có hiện tượng vàng từ lá già bên dưới, sau đó lan dần lên các lá non.
1. Triệu chứng:
Cây chuối bị nhiễm bệnh thường có hiện tượng vàng từ lá già bên dưới, sau đó lan dần lên các lá non. Triệu chứng vàng phát triển từ bìa lá và lan vào hướng gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá.
2. Tác hại của bệnh:
Bệnh làm cho các lá bị héo vàng từ dưới lên trên, làm cho cây chuối bị chết dần dần.
3. Biện pháp phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối:
3.1. Sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh:
- Những vườn trồng mới sử dụng giống chuối khỏe và sạch bệnh.
- Những khu vực trồng chuối tiêu bị bệnh nặng nên chuyển sang trồng giống chuối tây; những khu vực trồng chuối tây cũng bị bệnh nặng thì chuyển trồng giống kháng bệnh hoặc giống nhiễm bệnh nhẹ.
3.2. Biện pháp canh tác:
a/ Đất trồng:
- Chọn đất có độ pH trung tính hơi kiềm để hạn chế vi sinh vật gây hại phát sinh.
- Xử lý hố trước khi trồng: Bón vôi, phân chuồng mục ủ hoai mục cùng với chế phẩm nấm Trichoderma vào các hố trồng để phòng bệnh.
- Xử lý cây giống trước khi trồng: Cắt sạch rễ ở gốc chuối con rồi nhúng gốc vào dung dịch Bordeaux hoặc các thuốc gốc đồng trong 10 - 15 phút để diệt trừ mầm bệnh.
b/ Bón phân:
- Trong quá trình chăm sóc, sử dụng phân chuồng đã hoai mục, bón đầy đủ, cân đối N-P-K trong bón lót và bón thúc, hạn chế bón phân đạm Amon (NH4), thay bằng bón phân đạm Nitrat (NO3).
- Nên bón vôi bột khử trùng trước khi trồng, bổ sung vôi bột trong quá trình canh tác để cải thiện pH đất.
c/ Quản lý nước:
Bố trí hệ thống thoát nước dạng xương cá để nước mưa, nước tưới không chảy tràn trên bề mặt và không chảy tràn từ vườn nọ sang vườn kia; không nên để độ ẩm đất quá cao trong thời gian dài.
d/ Vệ sinh đồng ruộng:
- Thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các lá già, lá vàng nghi bị bệnh đem tiêu hủy (phơi khô rồi đốt).
- Khi phát hiện cây bệnh phải đốn bỏ, đào củ và thu gom toàn bộ đem tiêu hủy; rắc vôi bột vào hố đào gốc để khử trùng đất hoặc đổ trấu vào hố rồi đốt.
e/ Luân canh cây trồng:
Những nơi chuối tiêu bị bệnh héo vàng gây hại nặng có thể chuyển sang trồng chuối tây (ít bị bệnh hơn), trồng giống chuối kháng bệnh hoặc luân canh cây chuối với cây trồng khác (chuối - mía; chuối - sắn…) từ 2 - 3 năm.
3.3. Biện pháp sinh học:
Tưới hoặc bón chế phẩm nấm Trichoderma cùng phân chuồng trước khi trồng hoặc tưới vào vùng rễ chuối để phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối.
3.4. Biện pháp hóa học:
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có hoạt chất Zineb, Propiconazole, Difenoconazole… để phòng trừ nấm gây bệnh.
Hữu Hải - Vũ Sinh