Công tác chuẩn bị ao nuôi tốt sẽ tạo được môi trường nước ao nuôi có chất lượng, ổn định màu nước và giảm bớt mầm bệnh trong quá trình nuôi.
- Tát cạn hết nước, vét bùn, chỉ để lớp bùn dày từ 15 cm - 20 cm.
- Kiểm tra lại nắp cống, đắp lại bờ và các hang, hốc để tránh tình trạng cá thất thoát.
- Phát quang bờ bụi để mặt ao thoáng đãng tạo điều kiện cho ánh nắng mặt trời chiếu xuống ao giúp cho thực vật thủy sinh phát triển, tạo được màu nước tốt cho ao nuôi.
- Bón vôi cho ao nuôi từ 7 kg đến 10 kg vôi bột/100 m2 diện tích ao nuôi hoặc 30 kg đến 35 kg vôi bột/sào ao Bắc Bộ. Đối với những ao không tát cạn hết nước hoặc có độ chua cao cần tăng lượng vôi bón lên 10 kg đến 15 kg vôi bột/100 m2 diện tích ao.
- Phơi đáy ao từ 5 ngày đến 7 ngày để nhờ các tia bức xạ mặt trời tiêu diệt mầm bệnh.
- Những ao nuôi cá đã bị bệnh từ các vụ trước cần thau rửa kỹ đáy ao.
- Sau khi tẩy vôi 3 ngày, tiến hành bón phân (phân chuồng cần được ủ với 10 đến 15% vôi bột trong thời gian 1 tháng). Liều lượng đối với phân chuồng sau khi được ủ hoai bón bằng cách rải đều khắp ao từ 20 kg đến 30 kg phân, còn đối với phân xanh là 50 kg cho 100 m2 (lá xanh được băm nhỏ rải đều khắp đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 kg đến 7 kg dìm ở góc ao). Việc bón phân sẽ giúp nền đáy ao nuôi giàu dinh dưỡng, duy trì màu nước tốt trong quá trình nuôi.
- Lấy nước vào ao ngập từ 0,3 m đến 0,4 m giúp cho quá trình phân hủy phân bón nhanh hơn. Ngâm 5 đến 7 ngày, vớt hết bã phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu từ 1,5 m đến 2 m, sau đó xử lý bằng một số loại chế phẩm sinh học như EMC BioDW, Bio Bac. Lưu ý khi lấy nước vào ao cần lọc qua lưới lọc có kích thước mắt lưới nhỏ để loại bỏ cá tạp đặc biệt là cá rô phi con.
- Khi màu nước có màu của vỏ đậu xanh ta tiến hành thả giống.
Ngọc Kỳ - Phạm Kiên