Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 41.700 cơ sở ngành nghề nông thôn, 28 làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, dệt lụa, làm tranh và trồng hoa, thu hút 4.000 hộ với khoảng 7.000 nghệ nhân và hơn 200 ngàn lao động. Trong ảnh: Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm K’Long, xã Hiệp An, huyện Ðức Trọng tạo việc làm ổn định cho 40 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Phát triển ngành nghề nông thôn
Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu lực từ 1/6/2018, làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này. Ngoài ra, làng nghề còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Kinh phí được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề gồm: đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề….
Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo
Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CPngày 18/04/2018 về bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 05/06/2018, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù
Nghị định 59/2018/NĐ-CPngày 20/04/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó, bổ sung quy định thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/06/2018.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa XNK chờ làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN |
Quy định nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia
Nghị định 60/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có hiệu lực từ ngày 15/06/2018.
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông
Có hiệu lực từ 21/06/2018, Nghị định số 61/2018/NĐ-CPngày 23/04/2018 quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP
Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 19/06/2018, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
Vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 22/06/2018, Nghị định 64/2018/NĐ-CP ngày 07/05/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, trong đó vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng.
TTXVN