Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga:

Một nước đơn độc không thể chiến thắng khủng bố quốc tế

Một nước đơn độc không thể chiến thắng khủng bố quốc tế
Một nước đơn độc không thể chiến thắng khủng bố quốc tế ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang hàng năm.
Ảnh: AFP-TTXVN.
Bản Thông điệp liên bang năm nay được bắt đầu bằng một phút mặc niệm các binh sĩ Nga đã hy sinh trong khi tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Đây là bản thông điệp liên bang thứ 22 trong lịch sử nước Nga hiện đại và là thông điệp thứ 12 của Tổng thống Putin. Được mời đến Phòng khánh tiết Georgievski của Điện Kremlin ngoài các nghị sĩ từ 2 viện Quốc hội (Hội đồng Liên bang và Duma quốc gia), còn có các thành viên chính phủ, Chủ tịch các Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao, Trưởng công tố Liên bang, người đứng đầu Ủy ban bầu cử quốc gia, lãnh đạo các khu vực, lãnh đạo các tôn giáo, các quan chức cấp cao và đại diện truyền thông. Bản thông điệp kéo dài 58 phút của Tổng thống Putin được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Ngay đầu bản thông điệp, Tổng thống Putin đã đề cập đến vấn đề chống khủng bố và quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin khẳng định một nước đơn độc không thể chiến thắng khủng bố quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh biên giới giữa các nước gần như được mở và thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng di cư mới. Theo Tổng thống Nga, cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới hiện nay càng gay go do các nhóm khủng bố được cung cấp những nguồn lực tài chính. Ông Putin nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống khủng bố là cuộc đấu tranh vì tự do, sự thật và công bằng, vì cuộc sống con người và tương lai của nhân loại.  Tổng thống Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay cho hoạt động buôn lậu dầu mỏ của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng. Ông nhấn mạnh "Thổ Nhĩ Kỳ đã nhét đầy túi và cho phép các phần tử khủng bố kiếm tiền bằng cách bán dầu mỏ đánh cắp của Syria. Với số tiền thu được này, những kẻ khủng bố tuyển mộ thêm các tay súng, mua vũ khí và tiến hành các vụ tấn công khủng bố tàn bạo nhằm người dân Nga, Pháp, Liban, Mali và nhiều nước khác". Tổng thống Nga cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại biên giới Syria, cho rằng đây là hành động "bắn vào lưng các phi công Nga" sau đó biện bạch cho hành động của mình và che giấu tội ác của khủng bố. Ông Putin khẳng định Nga sẽ có những phản ứng thích hợp song sẽ không đe dọa bằng sức mạnh.  Về quan hệ đối ngoại, Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn hợp tác rộng rãi với các đối tác nước ngoài, hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cũng ủng hộ sự hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á- Âu (EAES), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng các nước thuộc ba tổ chức hợp tác này chiếm một phần ba nền kinh tế thế giới về sức mua. Hợp tác giữa ba khối này sẽ tạo ra những cơ hội mới để tăng xuất khẩu lương thực, năng lượng và các sản phẩm và dịch vụ khác sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Tổng thống Nga, giai đoạn hợp tác ban đầu có thể tập trung vào vấn đề bảo vệ vốn, tối ưu hóa quy trình lưu thông hàng hóa qua biên giới, cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghệ cao và cùng nhau mở cửa thị trường dịch vụ và thị trường vốn. Ông Putin khẳng định sự hợp tác này phải dựa trên các nguyên tắc công bằng và tôn trọng các lợi ích lẫn nhau. Hợp tác theo hướng này sẽ mở ra những cơ hội mới cho Nga xuất khẩu sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực phẩm, điện năng, vật liệu xây dựng, dịch vụ giáo dục, y tế và du lịch, cho phép Nga đóng vai trò đi đầu trên các thị trường công nghệ mới, cũng như hướng các dòng thương mại lớn toàn cầu sang Nga. Đánh giá về tình hình kinh tế trong nước, Tổng thống Putin thừa nhận khó khăn hiện nay của nền kinh tế Nga, nhưng cho rằng tình hình không quá nguy kịch và vẫn có những xu hướng tích cực, lạm phát, đồng nội tệ đã ổn định, sản xuất công nghiệp đang phát triển mạnh. Theo Tổng thống Putin, giá dầu nguyên liệu thô sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài và giải pháp là không nên bỏ qua những cơ hội mới, như hình thành khối thương mại mới, cũng như chú trọng tới những công nghệ mới. Ông khẳng định Nga cần đi đầu về kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác. Tổng thống Nga cho biết ngân sách liên bang năm 2016 sẽ không thâm hụt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngay cả khi nguồn thu giảm xuống dưới mức mong đợi. Ông Putin kêu gọi các doanh nghiệp Nga cần không chỉ đảm bảo hàng hóa chất lượng ở trong nước mà phải tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. 10 năm trước đây Nga là nước nhập khẩu nông sản, nhưng hiện tại Nga đã trở thành nước xuất khẩu nông sản với kim ngạch đạt 20 tỷ USD trong năm ngoái. Ông đặt mục tiêu đến năm 2020, Nga hoàn toàn đảm bảo tự túc về lương thực, thực phẩm.  Tổng thống Nga cũng bày tỏ lo ngại nạn tham nhũng là một trở ngại cản trở kinh tế Nga phát triển và yêu cầu các cơ quan luật pháp Nga nhanh chóng xử lý các vụ án tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.  Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn hợp tác rộng rãi với các đối tác nước ngoài, hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng cần cải thiện năng lực cạnh tranh của tuyến đường biển phía Bắc và phục hồi kinh tế-xã hội ở khu vực Viễn Đông. Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga là văn kiện cơ sở, tổng kết một năm đồng thời đưa ra các đường hướng chính cho đất nước trước mắt và lâu dài. Bức thông điệp liên bang năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thử thách to lớn. Về đối ngoại, Nga đang bất đồng gay gắt với phương Tây trong nhiều vấn đề, như Ukraine, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, việc NATO tìm cách kết nạp nước thành viên phía Đông. Về tình hình trong nước, kinh tế Nga đang gặp khó khăn, thiếu vốn đầu tư trong khi giá dầu - nguồn thu ngân sách chính, ở mức thấp, nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận. Trong khi đó, nước Nga sẽ bước vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) năm 2016 và tiếp theo đó là cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018.

Có thể bạn quan tâm