PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Ảnh: giadinh.net.vn |
Cuộc họp có sự tham dự của Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó Giáo sư – Tiến sỹ Eric L.Krakauer- Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới; Nhóm chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ của Việt Nam, các bác sỹ chuyên khoa Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, chăm sóc giảm nhẹ cho những bệnh nhân ung thư, AIDS nói riêng hay người mắc bệnh đe dọa đến tính mạng nói chung mang lại giá trị nhân văn sâu sắc và là đích hướng tới của ngành y tế Việt Nam. Việc kết hợp nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua việc phòng ngừa, phát hiện sớm, các vấn đề tâm lý của người bệnh và gia đình. Chính vì vậy, các bác sỹ, điều dưỡng thực hiện chăm sóc giảm nhẹ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho bệnh nhân và thân nhân của họ.
Thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh, từ năm 2006, với sự giúp đỡ của các chuyên gia và Tổ chức quốc tế trong đó có Phó Giáo sư – Tiến sỹ Eric L.Krakauer, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã xây dựng và ban hành "Hướng dẫn Quốc gia về Chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS" (Quyết định 3483/BYT ngày 19/5/2006). Đây là cơ sở pháp lý và là tài liệu tham khảo mang tính thực tiễn để các nhà lâm sàng trên toàn quốc triển khai các hoạt động chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân AIDS, bệnh nhân ung thư. Đến nay đã có hàng trăm bác sỹ, điều dưỡng được đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ, hàng ngàn bệnh nhân và thân nhân họ được chăm sóc và hỗ trợ tâm lý trong giai đoạn cuối đời.
Tài liệu chăm sóc giảm nhẹ sửa đổi được xây dựng theo nguyên tắc: dành cho tất cả những người mắc các bệnh đe dọa đến tính mạng; chăm sóc giảm nhẹ được tiến hành ngay từ khi phát hiện bệnh và tiếp tục duy trì trong suốt quá trình diễn biến của bệnh; phối hợp với các biện pháp điều trị đặc hiệu; tăng cường việc tuân thủ các phương pháp điều trị đặc hiệu và giảm bớt tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị đó. Phương pháp chăm sóc giảm nhẹ sẽ góp phần hỗ trợ người bệnh sống tích cực đến cuối đời; chăm sóc về tâm lý– xã hội là yếu tố quan trọng trong chăm sóc giảm nhẹ; hỗ trợ gia đình người bệnh trong thời gian người bệnh đau ốm và khi qua đời; xây dựng mô hình chăm sóc giảm nhẹ theo hình thức “Nhóm chăm sóc đa thành phần”, trong đó người bệnh là trung tâm, có sự tham gia của nhân viên y tế, gia đình người bệnh, nhân viên xã hội, người tình nguyện ... Việc chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện tại các cơ sở y tế, tại gia đình và cộng đồng.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Eric L.Krakauer cũng khẳng định chăm sóc giảm nhẹ là trách nhiệm đạo đức của hệ thống y tế và của cán bộ y tế nhằm giảm khó chịu và đau đớn của người bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ nên được tích hợp vào chăm sóc sức khỏe ban đầu và là một phần không thể thiếu của việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân./.
TTXVN
TTXVN