Mo - nghi lễ dành cho người chết

Mo - nghi lễ dành cho người chết

Các nhà nghiên cứu văn hóa Mường định nghĩa về mo như thế này: “Mo là một nghi lễ tín ngưỡng, được tổ chức trong đám ma của người Mường, hình thành với vai trò sáng tạo và diễn xướng của ông mo, để tiễn đưa linh hồn người chết về mường ma, theo quan niệm tín ngưỡng người Mường”.

Ông "Mo" đang thực hiện nghi lễ. Ảnh:baomoi.com


Mo Mường được cấu tạo gồm 2 phần là: Phần lễ thức và phần lời. Lễ thức của mo thì vô cùng phong phú. Tổng một cuộc mo đầy đủ, theo khảo cứu của tiến sĩ Bùi Văn Thành và một số nhà nghiên cứu khác, thì có tới 19 lễ thức. 
 
- Khi một người tắt thở, người nhà sẽ phải đến gặp ông mo để xin ý kiến của ông mo. Ông mo sẽ dùng lịch Đá rò để tính toán xem người đó mất vào giờ lành hay giờ dữ. Xem xét thời gian sẽ quyết định toàn bộ quy làm các nghi lễ trong mo.
 
Nếu người chết vào giờ lành, thì các hoạt động nghi lễ mo sẽ tổ chức theo hình thức là giải quyết thỏa đáng theo tính chất của giờ lành ấy. Ví dụ như người ta không phải làm nghi lễ trừ tà, trừ trùng, trừ những điều xấu, mà chỉ cần làm nghi lễ tiễn đưa linh hồn người chết về mường ma mà thôi. Nếu người đó tắt thở vào giờ xấu theo quan niệm Mường, như giờ trùng tang, thì phải làm lễ tống trùng và lễ trừ tà. Sau khi làm những nghi lễ đó thì mới trở lại làm những nghi lễ bình thường, trong đó có lễ nhương ăn, tức là cho linh hồn ăn uống; lễ nhìn họ, tức là cho những người thân nhìn mặt người chết, trước khi linh hồn người chết về với tổ tiên; lễ trời, là lễ để đối kiện và chuộc số, xin một hình dáng mới, sau đó mới đưa linh hồn người chết về sống với mường ma, với tổ tiên. 
 
- Thông thường, nghi lễ mo đầy đủ là dành cho người già, người sống thọ. Những trường hợp chết trẻ, hoặc chết bất thường thì người ta chú trọng làm các nghi lễ về trừ tà, trừ trùng, hoặc làm những nghi lễ giải quyết những vướng mắc trong tâm thức của người còn sống. Sau đó thì nhanh gọn làm các thủ tục để tiễn đưa người chết về mường ma - TS Thành nói.

Nghi lễ mo không phải là toàn bộ các nghi lễ trong đám ma của người Mường. Đám ma của người Mường bao gồm nhiều nghi lễ khác, nhưng nghi lễ mo là nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất. Theo quan niệm của người Mường, chức năng quan trọng nhất của mo chính là giải quyết việc tiễn đưa linh hồn về mường ma. Chính vì quy mô của mo rất lớn nên nhiều người lầm tưởng mo là đám ma Mường. 
 
Người Mường có khoảng 19 lễ thức trong một cuộc mo. Cụ thể là: tống trùng, tần tịch, mở nài, cúng thần kẹ, đạp ma, gọi mo dậy, dâng ăn, lên trời nhìn họ, mo kể chuyện, mo trống đồng, mo trâu, mo nhà xe, mo củi lìa, về rừng, chia của, lấp cửa mả, nộp lực kéo và đoạn tang.
 
Trong quan niệm Mường, Kẹ là một ông thần, làm nghề thầy thuốc ở trên trời. Người Mường cho rằng con người có rất nhiều bệnh tật, và khi chết đi thì bệnh tật vẫn còn trong hồn. Để người đó có thể sống những kiếp tiếp theo không còn bệnh tật gì nữa, thì người Mường phải viện đến ông thần này. Sau khi làm lễ tống trùng xong, thì họ làm lễ để mời ông thần Kẹ xuống làm thuốc cho linh hồn con người, tẩy sạch toàn bộ bệnh tật trong linh hồn đó đi, để linh hồn đó sống những  kiếp tiếp theo không còn bệnh tật. 
 
Nghi lễ thứ hai là lễ đạp ma. Theo quan niệm Mường, khi mà người ta chết đi thì linh hồn và thể xác không muốn tách rời nhau và sự tan rữa của xác sẽ ảnh hưởng tới linh hồn. Vì vậy, người Mường làm nghi lễ này để tách linh hồn ra khỏi thân xác, đưa hồn lên bàn thờ. 

Nghi lễ thứ ba là nhương ăn, tức là dâng ăn cho người chết. Người Mường quan niệm rằng linh hồn cũng giống như người sống, có các nhu cầu, trong đó nhu cầu ăn uống. Vì thế, trong đám ma, người ta tổ chức rất nhiều nghi lễ dâng ăn. Dâng ăn theo bữa: sáng - trưa - tối. 
 
Ông mo phải gọi mo, tức là ông mo phải gọi tất cả những ông thầy của mình, các thánh sư về để ban truyền phép thuật, ban truyền sức mạnh cho ông làm toàn bộ việc trong đám mo. Đó là nghi lễ thứ 5.
 
Nghi lễ thứ 6 là nhìn họ. Vì sao lại có nghi lễ này? Tiến sĩ Bùi Văn Thành giải thích: “Người Mường quan niệm khi một người chết đi thì linh hồn phải về với tổ tiên. Nhưng mà có thể về đó sống một cách bình thường thì phải giúp linh hồn đó nhận diện tổ tiên của mình. Ông mo mời tất cả họ mạc về, giới thiệu từng người một, sau đó dẫn linh hồn đi xuống nơi ở của tổ tiên để xem đồng ruộng, nhà cửa, vườn tược... Thậm chí là còn sắm sửa đồ đạc, từ cái cuốc, cái xẻng, để chuẩn bị cho linh hồn xuống đó sống một đời sống đầy đủ như là trên dương gian. Quan niệm Mường cho rằng trên trần sống sao thì dưới mường ma, họ cũng sống như vậy”.

Có thể bạn quan tâm