Sáng 8/5, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp gỡ đoàn Famtrip doanh nghiệp du lịch giữa Ninh Thuận và Ấn Độ năm 2023. Đây là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người, văn hóa đặc sắc và những danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; đồng thời để các doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và Ấn Độ cùng gặp gỡ, chia sẻ thông tin, tiến tới liên kết, hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Tại buổi gặp, bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã giới thiệu với đoàn Ấn Độ về tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Theo bà Hường, Ninh Thuận là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu; tài nguyên du lịch; di tích lịch sử; văn hóa và di sản văn hóa; con người Ninh Thuận hiền hòa, thân thiện và mến khách. Đây là giá trị khác biệt của tỉnh, vì vậy Ninh Thuận luôn chú trọng và nỗ lực phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới.
Những năm qua, ngành Du lịch Ninh Thuận đã tập trung đầu tư và có bước phát triển mới, đột phá. Nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh và tạo sức hút đối với du khách; không gian du lịch ngày càng được mở rộng với nhiều danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể; các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục được phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 205 cơ sở lưu trú du lịch với trên 4.520 phòng; trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%.
Để ngành Du lịch phát triển toàn diện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính.
Trong đó, nhóm một gồm 4 sản phẩm đặc thù: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Nhóm hai với 4 sản phẩm mới lạ, gồm: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Nhóm ba gồm 4 sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.
Ngoài ra, Ninh Thuận cũng phát triển không gian các vùng du lịch. Bốn không gian chính là: Không gian trung tâm, gồm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các khu vực phụ cận (tại đây, tỉnh sẽ xây dựng sản phẩm du lịch đô thị - di sản - nghỉ dưỡng biển - ẩm thực). Không gian phía Đông Bắc gồm phần lớn diện tích của huyện Ninh Hải (sẽ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái biển - rừng - nông nghiệp). Không gian phía Nam gồm dải ven biển Mũi Dinh - Cà Ná (được xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát - muối - biển). Không gian phía Tây, Tây Bắc thuộc phạm vi các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc (được xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái rừng - thác và săn bắn bán hoang dã).
Với quyết tâm và nỗ lực trên, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh; đồng thời đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững; trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Trong giai đoạn này, Ninh Thuận phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.
Tại buổi gặp gỡ, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao tiềm năng, lợi thế, cũng như định hướng phát triển du lịch của tỉnh Ninh Thuận. Với điều kiện như trên, đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ cùng đến tìm hiểu để đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch tại Ninh Thuận.
Ông Madan Mohan Sethi chia sẻ, với mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch Ấn Độ - Việt Nam nói chung và với Ninh Thuận nói riêng, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ biết đến Ninh Thuận nhiều hơn và cùng đầu tư phát triển tại tỉnh trong những năm tới.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua buổi gặp, hai bên đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về đầu tư phát triển du lịch; qua đó mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp du lịch của tỉnh và các doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ cùng liên kết hợp tác phát triển. Để nâng cao hiệu quả hơn nữa tinh thần hợp tác trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư không chỉ lĩnh vực du lịch, mà còn các lĩnh vực khác mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.
Ông Nguyễn Long Biên nêu rõ, Ninh Thuận cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, kết nối, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư, ưu đãi đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Ninh Thuận với Ấn Độ được tăng cường và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể: Về viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Ấn Độ, tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận 7 dự án với tổng giá trị là 2,1 triệu USD; về hoạt động ngoại giao, văn hóa, tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công nhiều sự kiện chào mừng, có ý nghĩa sâu sắc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối thị trường khách du lịch ở Ấn Độ thông qua hội nghị xúc tiến du lịch giữa Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ.
Công Thử