Mô hình thâm canh lúa, tôm và nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre

Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre. Ảnh : Trương Công Trí - TTXVN
Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre. Ảnh : Trương Công Trí - TTXVN

Mặc dù cây lúa không phải là cây trồng chủ lực tại tỉnh Bến Tre, nhưng người dân "xứ dừa" đã kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò để mang lại hiệu quả cao gấp 3 lần trên cùng diện tích canh tác.

Mô hình thâm canh lúa, tôm và nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre ảnh 1Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre. Ảnh : Trương Công Trí - TTXVN

Nhìn trà lúa đang bắt đầu trổ bông, được bao bọc xung quanh là ao tôm đang chuẩn bị thả giống, anh Lê Văn Phúc, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã quen dần với việc canh tác theo kiểu "con tôm ôm gốc lúa" được 4 năm qua.

Anh Phúc cho biết, lúc trước ruộng lúa mỗi năm chỉ làm 1 vụ, thời gian còn lại do nước mặn nên không trồng được gì. Từ khi chuyển đổi vừa trồng lúa và nuôi tôm, đã đem lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ trồng lúa hoặc nuôi tôm thâm canh.

Theo anh Phúc, khi chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm, anh Phúc đã áp dụng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân thuốc hóa học, khi gặt lúa xong, bơm nước đầy ruộng tạo điều kiện cho rong, tảo phát triển làm thức ăn cho vụ tôm sau này, nhờ vậy con tôm phát triển tốt, không sử dụng các loại thuốc, thức ăn công nghiệp. Điều này giúp hạ giá thành khi nuôi tôm, từ đó lợi nhuận vụ nuôi tôm cũng tăng lên. Đồng thời, vụ lúa tiếp theo lớp bùn bã hữu cơ trong nuôi tôm sẽ giúp cho cây lúa phát triển không cần phân bón hóa học.

Anh Phúc chia sẻ, hiện tại lúa làm ra đã được công ty ký kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, con tôm khi xuất bán luôn có người đặt hàng trước. Do đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn. Vụ mùa năm 2019, 1ha lúa hữu cơ của anh Phúc đạt năng suất hơn 4,5 tấn, giá thu mua hơn 8.500 đồng/kg. Vụ tôm thu được hơn 3 tấn. Hiệu quả mang lại từ hình thức kết hợp giữa nuôi tôm và trồng lúa đã tăng lên 3-4 lần so với trước đây.

Theo phòng nông nghiệp huyện Thạnh Phú, toàn huyện Thạnh Phú có hơn 6.000 ha lúa, tập trung tại các xã: An Nhơn, An Qui, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền, Mỹ An... Đa số người dân thực hiện sản xuất kết hợp nuôi tôm quảng canh và trồng lúa theo mô hình trồng lúa sạch, lúa hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, sản phẩm lúa hữu cơ tại Thạnh Phú đã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, được xuất khẩu qua các thị trường trên. Mặt khác, rơm (phụ phẩm sau thu hoạch lúa) cũng được công ty thu mua với giá rất cao và đây là nguyên liệu trồng nấm rơm hữu cơ.

Khác với người dân nơi vùng biển Thạnh Phú, tại tại huyện Ba Tri, Giồng Trôm lại gắn kết cây lúa với chăn nuôi bò mang lại nguồn thu ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, tận dụng nguồn phụ phẩm từ 1,5 ha ruộng lúa (rơm) bà nuôi 6 con bò cái sinh sản mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.

Bà Thủy cho hay, trước đây nếu trồng lúa gặp thời tiết thuận lợi sẽ được ba vụ, lợi nhuận mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Hiện nay do ảnh hưởng hạn, mặn mỗi năm chỉ ăn chắc được 1 vụ. Vì thế, nguồn thu nhập cũng bị giảm rất nhiều. Bà Thủy cho biết, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gia đình đã kết hợp vừa trồng lúa vừa chăn nuôi bò để mang lại hiệu quả cao hơn. Nguồn rơm thu được để dự trữ nuôi bò. Vì thế, bà đã chuyển đổi 2.000 m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò.

Bà Thủy so sánh, thời gian nước bị nhiễm mặn không sản xuất lúa thì sẽ dựa vào việc chăn nuôi bò. Sản xuất lúa vừa mang lại kinh tế vừa tạo nguồn thức ăn để chăn nuôi. Do vậy, kết hợp giữa sản xuất lúa với chăn nuôi bò sẽ mang lại hiệu quả cao nhất so với tập trung chuyển đổi sang cây trồng khác mà xóa bỏ đi cây lúa. Bà Thủy chia sẻ, nhờ sự kết hợp giữa cây lúa với chăn nuôi bò, thu nhập gia đình ổn định với mức hơn 130 triệu đồng/năm.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, cây lúa tại Bến Tre không mang lại hiệu quả cao so với các tỉnh khác. Nhờ việc kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò đã mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích canh tác cho người nông dân.

Theo ông Đức, Bến Tre có hơn 18.000 ha đất sản xuất lúa. Đây là nguồn thức ăn dồi dào, tạo điều đề phát triển chăn nuôi bò rất lớn. Bên cạnh đó, con bò, con tôm cũng là vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, việc kết hợp sẽ tạo cho người dân có sự đổi mới trong canh tác, không phải chạy theo thị trường để chuyển đổi sản xuất, mà từ những cái sẵn có nên người dân thay đổi sản xuất cho phù hợp và tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Ông Đức chia sẻ, ngành chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng hiện đại và hiệu quả. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định giúp người dân an tâm trong sản xuất.

Huỳnh Phúc Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm