Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín cho hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Văn Tường

Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín cho hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Văn Tường

Mô hình nuôi gia cầm của gia đình ông Trần Văn Tường, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn là mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín, an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Bắc Ninh.

Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín cho hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Văn Tường ảnh 1Mô hình nuôi gà khép kín của ông Trần Văn Tường, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Hiện mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường hơn 300.000 con gia cầm giống đảm bảo chất lượng, cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao lao động địa phương. Năm 2021, ông được vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc.

Có nhiều năm làm nghề buôn bán phế liệu, ông Trần Văn Tường có điều kiện được đi nhiều nơi, từ đó, ông được học hỏi các mô hình phát triển kinh tế mới. Vốn có sở thích về chăn nuôi nên năm 1994, ông Tường quyết định chuyển sang chăn nuôi gà. Để có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi gà, ông đã dành nhiều thời gian sang Viện chăn nuôi ở Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm của các kỹ sư đầu ngành.

Ông Tường chia sẻ, do diện tích nuôi chặt hẹp nên ban đầu gia đình chỉ nuôi thả khoảng 2.000 gà trắng siêu thịt. Lúc đó, cám công nghiệp chưa có, ông phải mua cá biển khô, ngô và đỗ tương về nghiền trộn tạo thành cám thức ăn cho gà. Với việc chủ động được nguồn thức ăn, cộng với việc nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên lứa gà đó gia đình ông thắng lớn.

Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi gà mang lại, trong khi diện tích của gia đình lại chật hẹp, năm 1996, ông Tường đã quyết định thuê lại một nhà kho sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) để thả nuôi 1 vạn gà trắng siêu thịt.

Thời điểm ông Tường nuôi gà đúng lúc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam vừa ra lô cám đầu tiên nên khách hàng mua 100 bao sẽ được công ty tặng 5 bao. Ông Tường cho biết, đàn gà trắng siêu thịt được ăn cám công nghiệp, lớn rất nhanh.

Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín cho hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Văn Tường ảnh 2Khu chuồng lạnh được đầu tư máy cho ăn tự động và uống nước tự động nên giảm được chi phí nhân công. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Tuy nhiên, khi đàn gà đến ngày xuất chuồng thì xảy ra một trận mưa lớn. Khu nhà kho rộng lại lợp bằng mái tôn khiến gà hoảng loạn dồn vào nhau, khi phát hiện đã có khoảng 2.500 con gà bị chết. Tiếp đến, gà lại mắc bệnh Newcastle (bệnh dịch tả gà) khiến gia đình ông gần như mất trắng.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1998, ông Tường vay mượn và tiếp tục thuê được một trại chăn nuôi của quân đội ở Long Biên (thành phố Hà Nội) để nuôi 1 vạn gà trắng siêu thịt. Thế nhưng, đến thời điểm xuất chuồng gà không bán được nên ông đã lỗ gần 200 triệu đồng.

Nhận thấy việc nuôi gà thịt không hiệu quả, đến năm 2000, ông Tường thuê lại trại Quang Trung của Trường Đại học Nông nghiệp I để nuôi các giống gà ta, gà lai chọi, lai Hồ, gà Mía để phục vụ việc đẻ trứng và sản xuất gà giống. Việc chuyển hướng chăn nuôi gà giống chưa được bao lâu thì năm 2004 đại dịch cúm gia cầm xảy ra. Toàn bộ đàn già giống hơn 7.000 con buộc phải tiêu hủy, gia đình ông mất trắng.

Thất bại không khiến ông Tường nản chí mà còn giúp ông có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi gà. Với số tiền khoảng 70 triệu đồng từ việc tiêu hủy gà, ông Tường đã cải tạo lại chuồng trại và trập trung nuôi gà bố mẹ Ai Cập, lai tạo với các giống gà nhập từ Mỹ, Pháp để tạo ra các giống gà siêu đẻ trứng, cung cấp cho người chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín cho hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Văn Tường ảnh 3Công nhân vận chuyển gà đẻ trứng để nuôi tại trang trại khép kín. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Năm 2010, UBND phường Trang Hạ tạo kiều kiện cho gia đình ông thuê 2.000 m2 đất ở khu vực bờ kênh, xa khu dân cư để làm chuồng trại chăn nuôi khoảng 1,5 vạn gà bố mẹ. Cùng với hơn 1.000 m2 đất gần nhà, ông đầu tư khu chuồng nuôi gà bố mẹ lấy trứng ấp nở gà giống. Ngoài ra, ông còn thuê một chuồng trại ở huyện Đông Anh (Hà Nôi) để nuôi gà bố mẹ hậu bị.

Thành công bước đầu với mô hình chăn nuôi và ấp nở trứng, năm 2021, ông đã mua lại 3 ha đất ở thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh với số tiền hàng tỷ đồng. Ông Tường dự tính sẽ xây dựng 4 khu chuồng lạnh, mỗi chuồng có giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng và hiện đã có 2 khu chuồng lạnh hoàn thành, nuôi khoảng 2 vạn gà bố mẹ.

Theo ông Tường, ông đã đầu tư trên 20 tỷ đồng vào khu trang trại ở huyện Lương Tài bao gồm tiền mua đất, xây dựng chuồng lạnh, xây dựng tường bao, hệ thống điện và máy phát điện dự phòng. Đặc biệt, trong khu chuồng lạnh, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 28 độ C, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt. Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, gà ít bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc men, thức ăn.

“Trang trại đã áp dụng máy cho ăn tự động và uống nước tự động nên số công nhân giảm tới 50%. Thời gian tới ông sẽ lắp đặt bồn cám tự động 16 tấn để cấp cám cho 4 khu chuồng lạnh nuôi 4 vạn con gà bố mẹ. Khi hoàn thành việc lắp đặt bồn cám tự động sẽ giúp ông tiết kiệm khoảng 20 triệu tiền vỏ bao khi mua thức ăn chăn nuôi”, ông Tường nói.

Với tổng đàn trên 3 vạn gà bố mẹ, cứ 4 ngày ông lại cho khoảng 100.000 trứng vào lò ấp nở, tỷ lệ ấp nở thành công là 80%, cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 gà giống mỗi tháng. Hiện, khu trang trại chăn nuôi và ấp nở trứng đã tạo công ăn việc làm cho 15-17 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng, riêng 3 lao động chọn gà giống đực, mái, ông chi trả mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng để trả tiền lương. Trừ chi phí, hiện mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 2 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Khang đánh giá, ông Trần Văn Tường là gương nông dân xuất sắc, dám nghĩ biết làm và có nhiều cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín của ông Tường đã tạo động lực cho người dân trên địa bàn có cơ hội học tập, trao đổi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Quang Nhiều

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm