“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Hơn 2 năm qua, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đã tiếp thêm động lực trong cuộc sống cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm, chương trình ngày càng được lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ảnh 1Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hương Khê hướng dẫn em Nguyễn Công Phát (mồ côi bố) học bài. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Những hoàn cảnh thiệt thòi

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hương Khê, địa bàn có gần 360 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như trường hợp của em Nguyễn Công Phát (sinh năm 2014), ở thôn Phố Hòa, xã Gia Phố. Bố của Phát không may mất đi trong một vụ tai nạn giao thông khi em mới 2 tuổi, mẹ đi làm công nhân ở miền Nam. Em được bà ngoại nuôi nấng và chăm sóc hàng ngày. Bà Trần Thị Giang (bà ngoại của em Nguyễn Công Phát) cho biết, hoàn cảnh gia đình bà hết sức khó khăn. Bà vừa phải nuôi cháu, lại phải chăm lo cho mẹ già. Từ năm 2022, nhờ sự kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cháu Phát đã được các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu. Cháu được nhận đỡ đầu 4 năm với số tiền 6 triệu/năm đã phần nào giúp bà vơi bớt gánh nặng. Bà mong muốn có thêm nhiều sự hỗ trợ để cháu Phát có thể tiếp tục học tập.

Em Phạm Như Quỳnh (sinh năm 2012, ở thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) là một trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Không may mắn như bạn bè, từ nhỏ, em đã mồ côi cha, chỉ có 3 mẹ con cùng sống với nhau trong ngôi nhà nhỏ. Cuộc sống của gia đình em rất vất vả do chỉ có nguồn thu nhập ít ỏi của người mẹ từ công việc làm thuê không ổn định.

Em Phạm Như Quỳnh bộc bạch, để chăm lo cho hai anh em đến trường, không phải bỏ học, mẹ em phải cố gắng làm nhiều việc khác nhau mới có tiền trang trải. Từ đầu năm 2022, may mắn em được nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 3,6 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, em đã có thêm khoản tiền để mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập, giúp mẹ vơi bớt khó khăn.

Hoàn cảnh của em Nguyễn Khánh Huyền (sinh năm 2010, ở thôn Công Đẳng, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn) cũng khó khăn không kém. Do không có nhà, hai mẹ con Huyền phải ở cùng bà ngoại. Mẹ của Huyền lại không may mắc bệnh hiểm nghèo, phải thường xuyên điều trị tại bệnh viện. Trong khi đó, bà ngoại còn phải nuôi một người con khác bị nhiễm chất độc da cam. Vì thế, bà ngoại đã hơn 70 tuổi là nguồn lao động chính trong gia đình.

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ảnh 2Cấp ủy, chính quyền huyện Hương Sơn thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bà Trần Thị Phương (bà ngoại của em Nguyễn Khánh Huyền) chia sẻ, tuy đã nhiều tuổi, bà vẫn phải cố gắng làm việc đồng áng để chăm lo cho các con và cháu. Cháu Huyền được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi, với số tiền 12 triệu đồng/năm. Bà rất mừng, gánh nặng gia đình đã được giảm bớt.

Lan tỏa tình yêu thương

Huyện Hương Khê là địa bàn miền núi, đời sống nhân dân còn nghèo, số lượng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tương đối lớn. Trước thực tế đó, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều giải pháp nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, nhận đỡ đầu các cháu. Hương Khê hiện là địa bàn có số lượng trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu nhiều nhất tại tỉnh Hà Tĩnh.

Bà Trần Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hương Khê chia sẻ, sau khi triển khai, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến nay, tại Hương Khê, 192 cháu đã được nhận đỡ đầu, với số tiền hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, trong thời gian từ 3 - 5 năm. Một số tổ chức nhận đỡ đầu nhiều như Công đoàn cơ quan Huyện ủy, khối dân, UBND huyện... Thời gian tới, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, để các em vững bước trong cuộc sống.

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ảnh 3Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Không chỉ tại huyện Hương Khê, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng hành cùng chương trình. Tiêu biểu như huyện Hương Sơn, trong tổng số gần 60 trẻ được nhận đỡ đầu có 14 cháu có “bố, mẹ đỡ đầu” là cán bộ huyện. Huyện Nghi Xuân có 71/98 trẻ mồ côi được cán bộ các cơ quan, trường học trên địa bàn nhận đỡ đầu.

Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm khẳng định, xác định đây là chương trình nhân văn, ý nghĩa, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chủ trì phối hợp với các ngành để rà soát các trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Thông qua chương trình, huyện đã huy động được nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho 59 cháu, mức hỗ trợ thấp nhất 3,6 triệu đồng/năm, cao nhất 12 triệu/năm. Hằng năm, huyện tiếp tục rà soát, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để chương trình ngày càng lan tỏa rộng rãi, hiệu quả hơn.

Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ tại tỉnh Hà Tĩnh đã nhận và vận động đỡ đầu 731 trẻ mồ côi với số tiền cam kết hỗ trợ gần 13,2 tỷ đồng; trong đó có 20 cháu được hỗ trợ đến tuổi trưởng thành, 711 cháu được hỗ trợ từ 3-5 năm.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã có sự quan tâm của toàn thể xã hội. Thời gian tới, để đạt kết quả tốt hơn, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng hơn những ý nghĩa thiết thực của chương trình này; đồng thời, huy động sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, địa phương và các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp Hội tăng cường kết nối, vận động các nguồn lực xã hội dưới nhiều hình thức như: trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi; hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở....

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm