Đây được xem là tín hiệu vui trong việc cơ giới hóa sản SX lúa, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Ông Lâm Thanh, Phó Trưởng trạm Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Ứng dụng cấy lúa bằng máy giúp nông dân xuống giống nhanh chóng. Thực tế cho thấy, áp dụng cấy máy trên đồng ruộng sẽ giảm lượng giống đáng kể. Nếu cấy bằng máy chỉ cần từ 65 – 80kg giống cho 1ha. Còn theo tập quán, để xuống giống 1ha, nông dân phải chuẩn bị từ 150 – 200kg lúa giống. Như vậy, áp dụng phương pháp cấy máy giảm được phân nửa lượng lúa giống, tiết giảm được một khoản chi phí ngay đầu vụ. Mỗi máy có thể cấy từ 1,5 – 2ha/ngày.
Sử dụng máy cấy giảm được chi phí, lúa ít đổ ngã và cho chất lượng hạt lúa tốt hơn. Ảnh: nongnghiep.vn |
Áp dụng phương pháp cấy máy, mật độ giữa các bụi lúa vừa phải (mỗi hàng cách nhau 25cm), tạo độ thông thoáng. Từ đó, cây lúa không phải cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng nên phát triển khỏe mạnh. Bà con cũng không cần bón nhiều phân, phun nhiều thuốc BVTV mà sâu bệnh, dịch hại cũng hạn chế phát sinh. Đây là một trong những tiêu chí để thực hiện tốt quy trình “1 phải, 5 giảm” trong SX, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Thành, GĐ HTXNN Đồng Vạn, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Việc sử dụng máy cấy sẽ giúp giảm hẳn lượng giống, ít sâu bệnh, năng suất cũng khá cao. Đây là phương thức giảm giống tối ưu và giảm chi phí tăng lợi nhuận. Theo ông Thành, xu hướng hiện nay để phát triển nông nghiệp bền vững cần đẩy mạnh ứng dụng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" vào SX nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Bên cạnh đó còn sử dụng giống xác nhận sẽ giảm chi phí sử dụng thuốc BVTV, công chăm sóc tăng lợi nhuận và giá trị của sản phẩm nông sản mà hàng hóa làm ra dễ tiêu thụ. Trước đây, nông dân có tập quán sạ dày, qua các lớp tập huấn đã dần thay đổi tích cực trong khâu giảm giống, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật do dự án đưa xuống. Nếu như trước đây nông dân sạ 250 - 300kg/ha, giờ chỉ còn 100 - 110kg/ha, riêng HTX còn khuyến cáo xã viên chỉ sạ 80 - 100kg/ha. Ông Nguyễn Cao Khải, GĐ HTXNN Hiếu Bình ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh đang quản lý 1.200ha, SX 3 vụ lúa/năm. Vụ ĐX 2017-2018, những thành viên của HTX đi tiên phong cấy lúa bằng máy (hợp đồng với đối tác đưa máy vào cấy, gieo mạ chỉ 6 kg/1.000m2). Ông Khải cho biết, cấy lúa bằng máy sẽ giảm được chi phí, lúa đổ ngã rất hạn chế và chất lượng hạt tốt hơn. Việc áp dụng máy cấy với các mô hình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” đã phát huy hiệu quả cao trong SX. Năng suất lúa dao động từ 7 - 8 tấn/ha giảm khoảng 50% so phương thức sạ truyền thống. Trừ chi phí lợi đầu tư SX vẫn cho lợi nhuận cao hơn SX bình thường từ 20 - 30%. “Dự kiến vụ HT và TĐ năm 2018 sẽ tăng diện tích cấy lên hơn nữa, SX lúa giống, HTX mong muốn được ký hợp đồng với các DN tiêu thụ, tạo điều kiện cho xã viên phát triển hơn…”, ông Khải nói. Để giúp nông dân tiếp cận và phổ biến công nghệ cấy lúa bằng máy, hàng năm Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ phối hợp với huyện tổ chức hội thảo về việc ứng dụng máy cấy trong SX lúa – giảm lượng giống gieo sạ. Anh Nguyễn Ngọc Huấn ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Trong SX hiện nay, tiết kiệm chi phí là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Việc ứng dụng máy cấy trong khâu gieo sạ không chỉ tiết kiệm được lượng lúa giống, giải phóng sức lao động, mà còn đảm bảo cho việc xuống giống trong thời gian ngắn, phù hợp áp dụng cho các cánh đồng lớn, HTX, THT…
Theo nongnghiep.vn