Mòn răng, tụt nướu, viêm nha chu… BS Tạ Thị Trúc Mai - Phòng Răng hàm mặt, khoa Khám bệnh, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết: 90% bệnh nhân đến khám các bệnh về răng, khi được hỏi cách chải răng đều cho biết họ đánh răng theo chiều ngang, đánh mạnh tay bằng bàn chải lông cứng; mà không biết chính động tác chải mạnh tới - lui không đúng cách đó là một trong những nguyên nhân làm mòn cổ chân răng, dẫn đến tuột nướu.
Chải răng tưởng đơn giản, nhưng nếu không đúng cách thì không những không làm sạch được răng, mà còn có thể... mất răng. Ảnh minh họa: Internet. |
Tuột nướu có hai nguyên nhân. Thứ nhất là do viêm: khi đặt bàn chải nằm ngang và chà mạnh chắc chắn sẽ không thể lấy đi mảng bám, thức ăn trong kẽ răng. Thức ăn kẹt trong nướu hình thành mảng bám, tích tụ lâu ngày sẽ bị khoáng hóa thành vôi răng, vi khuẩn tụ lại ngày càng tăng, gây viêm nướu. Khi nướu đổi màu, dễ chảy máu lúc chải răng là đã viêm nướu độ 1, độ 2. Sau viêm nướu là hư dây chằng, tuột nướu, răng dài ra… Thứ nhì là tuột nướu không viêm: chân răng có lớp men rất mỏng, khi đánh răng lực ma sát mạnh sẽ dẫn đến sang chấn mòn cổ răng. Răng bị mòn, nướu răng bị tuột làm lộ chân răng. Thông thường những răng dễ bị mòn và tuột nướu là những răng chịu nhiều lực ma sát của bàn chải như răng nanh, răng cửa, ít gặp ở răng hàm. Hậu quả của tuột nướu là làm mất xi măng chân răng, lộ ngà răng, làm răng trở nên nhạy cảm khi ăn thức ăn nóng lạnh, hở kẽ răng, dễ kẹt thức ăn vào, mất thẩm mỹ. Ngoài ra, để bị viêm nướu lâu ngày sẽ dẫn đến viêm nha chu. Nha chu là tổ chức dưới nướu, có tác dụng làm cho răng cứng chắc. Khi tổ chức nha chu bị viêm sẽ xuất hiện các triệu chứng như chảy máu nướu khi chải răng hoặc chảy máu tự phát, hơi thở hôi dai dẳng, có ổ mủ hoặc mủ chảy ra ở giữa răng và nướu ở vùng cổ răng, răng lung lay hoặc thưa ra… từ đó dẫn đến mất răng hàng loạt.Cách ứng phó Theo BS Mai, để tránh các bệnh kể trên, quan trọng nhất là phải chải răng đúng cách với bàn chải lông mềm để loại bỏ mảng bám trên bề mặt răng và khe nướu. Một chiếc răng có năm mặt: mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai và hai mặt tiếp giáp hai bên. Chải răng đúng là phải chải sạch hết năm mặt. Phải chọn bàn chải phù hợp, lông bàn chải mềm để có thể len vào kẽ răng kéo thức ăn ra, đầu lông bàn chải tròn. Với hàm trên thì đưa lông bàn chải lên trên, áp nhẹ vào răng và kéo xuống kết hợp với xoay nhẹ lông bàn chải để có thể lôi thức ăn trong kẽ răng ra. Hàm dưới thì úp bàn chải xuống và kéo ngược lên, khi phải chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai. Với hai mặt tiếp giáp, phải dùng chỉ nha khoa để kéo thức ăn ra, tuyệt đối không dùng tăm, nếu dùng tăm xỉa sẽ làm mất đi tam giác nơi nướu răng, thức ăn càng dễ bám.
Chải răng đúng cách cũng góp phần quan trọng để có hàm răng chắc khỏe. Ảnh minh họa: Internet. |
Với trẻ em, nên dạy trẻ để bàn chải nghiêng 450 khi chải, phải chải đúng cách và tuân thủ giờ giấc chải, tốt nhất là nên chải khi vừa ăn xong. Nếu đi ra ngoài, không có điều kiện chải răng, phải trung hòa môi trường trong miệng bằng cách uống nước, súc miệng để thức ăn không bám vào răng. Khoảng ba - bốn tháng phải thay bàn chải đánh răng một lần, thường xuyên hơn càng tốt. Lấy cao răng và khám răng miệng sáu tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh răng miệng. “Đối với những trường hợp mòn cổ chân răng, tuột nướu nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi cách chải răng. Nếu tuột nướu nặng, ảnh hưởng thẩm mỹ, kèm hay không kèm ê buốt răng thì nên phẫu thuật ghép để phục hồi lại phần lợi che phủ răng. Việc chọn phương pháp và vật liệu ghép tùy vào mức độ tuột nướu, số răng bị tuột, vùng răng bị tuột; thông thường là sử dụng các vạt niêm mạc ở vùng răng kế cận để che phủ vùng chân răng bị tuột”, BS Mai nói. Đối với bệnh nha chu, BS Mai khuyến cáo: nhiều bệnh nhân khi thấy nướu xuất hiện ổ mủ, đã tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Nếu may mắn đúng thuốc, mủ sẽ xẹp xuống nhưng bệnh thì không khỏi.
Theo baoangiang.com.vn