Lý Sơn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Được ví như thiên đường xanh giữa biển với cảnh đẹp hoang sơ và những dấu ấn đặc sắc của truyền thống và lịch sử, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa hào hùng xa xưa luôn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch. Sau hơn hai năm gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19, những ngày này khách du lịch nườm nượp đến với huyện đảo xinh đẹp chỉ cách đất liền 15 hải lý, cho thấy sức hút của tiềm năng, lợi thế để du lịch Lý Sơn có thể cất cánh trong tương lai gần, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 05 của tỉnh Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, lấy Lý Sơn làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển du lịch của toàn tỉnh. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

Miệng núi lửa chứa nước ngọt tạo thành hồ trên đỉnh núi Thới Lới và phía dưới là ánh sáng điện của thị trấn Lý Sơn. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN
Miệng núi lửa chứa nước ngọt tạo thành hồ trên đỉnh núi Thới Lới và phía dưới là ánh sáng điện của thị trấn Lý Sơn. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

* Xin ông cho biết đặc thù phát triển kinh tế của huyện đảo Lý Sơn và những định hướng kế hoạch của huyện trong thời gian tới?

- Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Những năm qua, cùng với việc phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế, Lý Sơn đã ưu tiên nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình trọng điểm phục vụ dân sinh, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện đảo phát triển. Cơ cấu kinh tế huyện đảo đang chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ; trong đó, dịch vụ du lịch có sự phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Lý Sơn.

Theo định hướng đó, kế hoạch của huyện trong thời gian tới sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế, tập trung vào sự bứt phá với tỷ trọng 60% cơ cấu kinh tế là phát triển du lịch và dịch vụ; 30-35% là nông nghiệp, còn lại công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trước mắt chúng tôi tập trung hoàn thiện quy hoạch huyện đảo Lý Sơn, trên cở sở quy hoạch đó, Lý Sơn mời gọi, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực cho sự bứt phá nhanh của huyện đảo trong 5 năm tới.

Công viên địa chất Lý Sơn. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Công viên địa chất Lý Sơn. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

* Với lợi thế về vị trí, cảnh quan và bề dày lịch sử, trong chiến lược phát triển sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Lý Sơn. Vậy huyện đảo có chủ trương, giải pháp gì để phát triển du lịch Lý Sơn?

- Với đặc thù của huyện đảo có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng, là nơi ra đời của đội hùng binh Hoàng Sa mang theo sứ mệnh triều đình giữ gìn mỗi tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc, có nhiều danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống, Lý Sơn đang tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để đưa địa phương phát triển.

Theo đó, huyện chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn gắn với truyền thống khai thác biển đảo lâu đời của người dân Lý Sơn, bảo tồn và phát huy các sản phẩm du lịch tâm linh, các di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh đã được công nhận cấp quốc gia; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng…

Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ của Lý Sơn phát triển với hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng như xây dựng mới chợ trung tâm; phát triển dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống, lưu trú, nhà hàng, phương tiện vận tải phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.

Toàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa; 32 cá nhân được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên tại điểm; 133 cơ sở lưu trú, trong đó, có 17 khách sạn, 53 nhà nghỉ, 60 homestay, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh thông qua các lễ hội truyền thống, hội chợ du lịch, các sự kiện văn hóa tổ chức tại đảo Lý Sơn như Giải vô địch Marathon toàn quốc, Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia…

Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng đều. Năm 2020 - 2021 do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lượng khách đến Lý Sơn giảm đáng kể, nhưng 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách bắt đầu hồi phục. Đặc biệt từ tháng 3 đến nay lượng khách du lịch đến với Lý Sơn tăng rất mạnh. Thời gian tới, với lợi thế của huyện đảo, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào phát triển du lịch với mục tiêu đạt 160.000 lượt khách đến với Lý Sơn trong năm 2022.

Trong 2 ngày 21-22/5/2022, tại huyện đảo Lý Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Tổng Cục Thể dục thể thao tổ chức khai mạc giải Vô địch Các câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ 2 năm 2022. Giải có sự tham gia của 6 đơn vị, 61 vận động viên, chia làm 03 nội dung thi đấu gồm: giải cá nhân nam, giải cá nhân nữ và giải đồng đội với mỗi đội gồm 7 vận động viên. Trong ảnh: Vận động viên xuất phát bay tại đỉnh núi Thới Lới, Lý Sơn. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Trong 2 ngày 21-22/5/2022, tại huyện đảo Lý Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Tổng Cục Thể dục thể thao tổ chức khai mạc giải Vô địch Các câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ 2 năm 2022. Giải có sự tham gia của 6 đơn vị, 61 vận động viên, chia làm 03 nội dung thi đấu gồm: giải cá nhân nam, giải cá nhân nữ và giải đồng đội với mỗi đội gồm 7 vận động viên. Trong ảnh: Vận động viên xuất phát bay tại đỉnh núi Thới Lới, Lý Sơn. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

* Như ông chia sẻ, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Lý Sơn. Vậy kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và canh tác hành, tỏi - những ngành nghề truyền thống của người dân huyện đảo đã từng làm nên những thương hiệu đặc sản của Lý Sơn sẽ được định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

- Trước đây nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn của huyện, chiếm khoảng 60% cơ cấu kinh tế, nhưng đến nhiệm kỳ 2021 - 2025, nông nghiệp của Lý Sơn phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nhưng tăng về giá trị nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình khuyến nông, khuyến ngư để tạo sức bật mới cho ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản vẫn là ngành kinh tế vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Huyện tập trung tuyên truyền, khuyến khích nhân dân kiên cường bám biển vừa đánh bắt thủy sản phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, không xâm phạm vùng biển nước ngoài...

Về nuôi trồng thủy sản, Lý Sơn xác định nuôi trồng thủy sản chuyên sâu, mũi nhọn. Hiện Lý Sơn có khoảng 51 hộ nuôi lồng bè, tuy còn nhỏ lẻ nhưng định hướng là nuôi trồng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, nâng cao giá trị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Về nông nghiệp, đặc biệt là với hành, tỏi - cây trồng chủ lực ở Lý Sơn, chúng tôi chủ trương không chú trọng tăng sản lượng mà gia tăng giá trị. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trên huyện đảo đầu tư liên kết trồng và chế biến các sản phẩm từ hành, tỏi Lý Sơn để nâng cao giá trị sản phẩm. Chúng tôi cũng hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để triển khai các mô hình canh tác mới, theo hình thức hữu cơ, nâng cao giá trị, năng suất, bảo đảm thu nhập cho nông dân và quan trọng nhất là giữ gìn và bảo vệ môi trường của đảo.

* Từ một huyện đảo với cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, theo chiến lược phát triển trở thành huyện đảo đẹp nhất của cả nước, Lý Sơn cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Huyện Lý Sơn sẽ thu hút và phát huy các nguồn vốn đầu tư như thế nào, thưa ông?

- Theo kế hoạch tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương, đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch, trong đó du lịch biển, đảo làm chủ đạo, đưa Lý Sơn thành hạt nhân của tỉnh Quảng Ngãi trong phát triển kinh tế - xã hội như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX của Quảng Ngãi và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn đã đề ra, Lý Sơn rất cần nguồn lực đầu tư, đặc biệt là xây dựng hạ tầng và khai thác tiềm năng kinh tế huyện đảo. Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược và có tiềm lực như Vin Group, Sun Group đến khảo sát để tiến hành đầu tư phát triển Lý Sơn.

Cùng với nguồn lực thu hút đầu tư, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân huyện đảo. Là ngân hàng đầu tiên có mặt trên huyện đảo, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã giúp đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt trong phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã góp phần giúp doanh nghiệp, người dân trên huyện đảo khôi phục sản xuất, đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, khách sạn, nhà hàng, mua sắm phương tiện vận tải để đón khách du lịch đến với huyện đảo. Chúng tôi mong muốn Agribank sẽ tiếp tục quan tâm tới nguồn vốn và dành những cơ chế ưu đãi cho nhu cầu và kế hoạch phát triển huyện đảo.

Cùng với đó, chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quan tâm đầu tư và đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng huyện đảo, đồng thời có chính sách và cơ chế đặc thù cho huyện đảo trong việc triển khai và thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hương (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm