Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị và Quyết định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, tại những địa bàn khó khăn, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số thì công tác điều động, luân chuyển cán bộ về cơ sở như một "làn gió" mới mang lại hiệu quả, góp phần củng cố hệ thống chính trị, nâng cao đội ngũ cán bộ và giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để ghi nhận những kết quả trong công tác luân chuyển cán bộ, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết với chủ đề “Luân chuyển cán bộ về cơ sở ở vùng cao, biên giới để gần dân, sát dân”.
Bài 1: Lấp chỗ trống “thiếu, yếu” cán bộ ở vùng đặc biệt khó khăn
Tại các xã vùng cao, biên giới, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ cán bộ từ cấp huyện xuống cấp xã nhiều nơi vẫn còn thiếu và yếu về năng lực, trình độ chuyên môn. Những năm qua, chủ trương luân chuyển cán bộ có năng lực từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã đã giải quyết được căn bản vấn đề “thiếu, yếu” cán bộ ở vùng đặc biệt khó khăn. Cán bộ được luân chuyển về đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”, từ đó xây dựng mối quan hệ gắn bó nhân dân với chính quyền, tạo niềm tin với Đảng và Nhà nước.
Tăng cường nguồn lực cán bộ cho vùng khó
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, có 20 dân tộc với 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đặc thù các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, cán bộ, công chức chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, còn hạn chế về năng lực, tác phong làm việc, nhất là việc triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước còn gặp nhiều lúng túng, bất cập. Vì vậy, với địa bàn khó khăn này, việc lựa chọn người lãnh đạo đủ uy tín, đủ đức, đủ tài là việc không dễ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Lê Văn Lương, nhằm giúp đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn, Tỉnh ủy Lai Châu đã chú trọng thực hiện công tác luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã để tăng cường sức chiến đấu trong công tác lãnh đạo, tham mưu, chỉ đạo cho bộ máy ở cơ sở.
Từ năm 2015 đến nay, Lai Châu đã luân chuyển 98 cán bộ (8 cán bộ nữ, 24 cán bộ người dân tộc thiểu số). Trong đó, luân chuyển 19 người từ tỉnh về giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, trưởng các ban Đảng cấp huyện; 11 người từ huyện về giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ngành của tỉnh; 5 người từ huyện này sang huyện khác; 63 người từ huyện, thành phố về giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.
Tại huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), từ năm 2017-2021 đã luân chuyển, điều động, tăng cường 11 cán bộ chủ chốt về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các xã như: Pa Ủ, Tà Tổng, Pa Vệ Sử, Can Hồ... Trong đó, điển hình là anh Nguyễn Công Sơn được điều động từ Trưởng ban Quản lý Công trình dự án phát triển kinh tế-xã hội huyện Mường Tè về làm Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả, từ đầu năm 2020.
Trong cái tiết lạnh chiều muộn nơi biên giới, Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả Nguyễn Công Sơn quần dính đầy cỏ may trở về trụ sở xã. Vừa niềm nở bắt tay chúng tôi, anh vừa kể lại: "Mình thấy đất hoang nhiều quá nên đi bản vận động bà con dân tộc Hà Nhì cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng". Ngồi trong phòng làm việc, nhâm nhi chén trà nóng, nói về bản thân được điều động về cơ sở, anh Nguyễn Công Sơn chia sẻ: "Mình vui vẻ nhận nhiệm vụ lên đường, tuy vợ cũng có chút tâm tư… rồi cũng ủng hộ chồng. Về địa bàn xã Mù Cả, mình nhanh chóng tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc và nhờ cán bộ người địa phương dạy tiếng dân tộc để thuận lợi giao tiếp với bà con."
Ngay khi về nhận nhiệm vụ, Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả nhận thấy những hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ xã là rào cản lớn dẫn đến giải quyết công việc cho người dân còn chậm chễ, chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, Bí thư Nguyễn Công Sơn cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền đã trao đổi, hướng dẫn anh em theo cách “cầm tay chỉ việc” nhiều quy định trong xử lý hành chính, văn bản cũng như hiểu đúng về các chính sách, nghị quyết để áp dụng linh hoạt trong công việc. Nhất là chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ xã đúng giờ, thay đổi thái độ khi giải quyết công việc cho người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả Nguyễn Công Sơn khẳng định, trước đây, một việc giao cho cán bộ xã phải mất 3-4 ngày mới làm xong, hiện nay chỉ cần nửa ngày đã hoàn thành. Nhiều kỹ năng khi sử dụng công nghệ thông tin, văn bản mà cán bộ chưa biết, chưa làm đúng thì mình trao đổi, hướng dẫn. Nhìn chung đến nay, các cán bộ từng bước nâng cao trình độ, thành thục sử dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, Đảng ủy, chính quyền xã cũng thường xuyên chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải làm gương.
Trăn trở của Bí thư Nguyễn Công Sơn là hiện nay xã Mù Cả có 21 cán bộ, trong đó chỉ 4 cán bộ có trình độ đại học (chiếm 19%), còn lại trình độ cao đẳng, trung cấp, chưa được đào tạo bài bản. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, Đảng ủy xã Mù Cả đã tạo điều kiện, động viên cán bộ người dân tộc thiểu số được học lên đại học, mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng nâng cao về chất lượng. Hiện cấp ủy và chính quyền xã Mù Cả đã có 6 đồng chí đang theo học đại học. Với sự phát triển về kinh tế - xã hội và trình độ của cán bộ, xã sẽ không còn “mù cả” như trước kia nữa mà Mù Cả sáng lên rồi.
Bí thư Huyện ủy Mường Tè (Lai Châu) Lý Anh Hừ cho biết, các cán bộ được luân chuyển, điều động về xã đã nhanh chóng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức cấp xã. Cán bộ luân chuyển có những sáng kiến hay để cùng với chính quyền giúp đồng bào dân tộc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân.
Tháo gỡ “quan dòng họ, thân quen”
Tới thăm xã Hồ Bốn, một xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), với hơn 99% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nay đã thay da đổi thịt. Theo người dân trong xã, những năm trước đây, đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại cách trở.
Theo ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái), trước kia, xã Hồ Bốn tồn tại những hạn chế về công tác cán bộ liên quan đến quan hệ dòng họ, thân quen, cùng với tình hình an ninh trật tự còn nhiều phức tạp như nạn chặt phá rừng, đốt nương, tranh chấp khiếu kiện về đất đai, nguồn nước… khiến sự phát triển chung của địa phương còn chậm.
Trước thực trạng này, huyện Mù Cang Chải xác định muốn thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Hồ Bốn cần có người đứng đầu đủ năng lực, chuyên môn, nhiệt huyết để lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở. Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ của tỉnh Yên Bái, năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã luân chuyển ông Phạm Việt Cường, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải về làm Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn.
Ngay khi về nhận nhiệm vụ tại cơ sở, Bí thư Phạm Việt Cường bắt tay ngay vào việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ xã cho hợp lý; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là khi tiếp xúc với người dân. Để gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ông Phạm Việt Cường thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, từ đó đưa ra quyết sách phù hợp, tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân sản xuất chăn nuôi tập trung và trồng những loại cây nông sản phù hợp để từng bước xóa đói, giảm nghèo vùng đất này.
Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn Phạm Việt Cường phấn khởi khi nói về diện mạo nông thôn xã Hồ Bốn hiện có nhiều khởi sắc: Tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm được 6,5%; hệ thống giao thông, thủy lợi thường xuyên được đầu tư, nâng cấp sửa chữa; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Hiện người dân trong xã rất hăng hái tham gia đăng ký xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Năm nay, xã có 11 mô hình chăn nuôi lợn và 11 hộ đăng ký mô hình trồng su su, khoai sọ...
Tại tỉnh vùng cao Yên Bái, từ năm 2019 đến nay tỉnh đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tăng cường 80 đồng chí, trong đó có 17 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt cấp xã. Các cán bộ luân chuyển về cơ sở đã cùng tập thể Đảng bộ, chính quyền địa phương đoàn kết, tập trung xây dựng đội ngũ cơ sở vững mạnh.
Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Nhiều cán bộ luân chuyển về cơ sở đã phát huy được năng lực công tác, thể hiện rõ vai trò sáng tạo và tính năng động, nhạy bén của tuổi trẻ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin yêu. Nhiều cán bộ luân chuyển được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và trưởng thành, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. (Xem tiếp Bài 2: Cán bộ được rèn giũa, trưởng thành)
TTXVN