Lồng ghép các nguồn vốn, xây dựng đường giao thông ở huyện miền núi Đông Giang

Dự án tuyến đường Prao-Tà Lu-Zà Hung ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: baoquangnam.vn
Dự án tuyến đường Prao-Tà Lu-Zà Hung ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: baoquangnam.vn

Huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng. Do địa hình rộng lớn và chia cắt mạnh bởi sông suối, giao thông chậm phát triển nên việc đi lại của đồng bào gặp khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Mong ước có tuyến đường để thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa là khát vọng của đồng bào vùng cao nơi đây.

Lồng ghép các nguồn vốn, xây dựng đường giao thông ở huyện miền núi Đông Giang ảnh 1Dự án tuyến đường Prao-Tà Lu-Zà Hung ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: baoquangnam.vn

Tự nguyện hiến hàng trăm mét đất vườn để mở tuyến đường bê tông có chiều dài hơn 7 km, nối từ đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thị trấn Prao đến thôn A Dung, thuộc xã A Rooi, anh Mạc Như Thừa, người dân xã A Rooi, huyện Đông Giang, chia sẻ: Mùa mưa, nước từ phía thượng nguồn đổ về cộng với xả lũ khiến nhiều tuyến đường về xã A Rooi bị ngập sâu, gây chia cắt giao thông. Nhiều nơi nước lũ lên nhanh, ngập sâu đến nửa nhà, người dân di chuyển đồ đạc không kịp. Vì vậy, Nhà nước đầu tư cho con đường này giúp giao thông thuận lợi, vận chuyển hàng hóa thiết yếu dễ dàng. Đặc biệt, khi có người trong thôn ốm đau sẽ được đưa đến Trung tâm Y tế huyện nhanh hơn. Trẻ em đi học cũng thuận lợi hơn.

Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi sông suối và sạt lở nặng trong mùa mưa lũ nên đường về các xã vùng sâu, vùng xa huyện Đông Giang hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Cầu Pa Păng làm bằng ván vè tre để vào thôn Bhoong của xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, là một điển hình.

Bà Đinh Thị Ngôi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn chia sẻ: Vào mùa mưa, nước suối Pa Păng dâng cao đến hơn 5m, chia cắt thôn Bhoong với bên ngoài trong nhiều ngày; cùng với nước chảy xiết và thường xuất hiện lũ quét gây nguy hiểm đến tính mạng của đồng bào. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con bày tỏ mong muốn có cây cầu vững chắc để thuận tiện đi lại, nhất là trong mùa mưa lũ. Ở xã Sông Kôn hiện vẫn còn hàng chục cầu tạm bắc qua suối cần được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép chắc chắc hơn.

Để thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong những năm qua, huyện Đông Giang đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn và bị chia cắt mạnh bởi sông suối nên hệ thống giao thông, nhất là đường về các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội huyện Đông Giang chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.

Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Giao thông kết nối vùng của huyện Đông Giang còn rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của đồng bào. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, năm 2022, huyện Đông Giang bố trí trên 50 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa các tuyến đường về vùng sâu, vùng xa bị mưa lũ gây hư hại nặng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết thêm: Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Đông Giang chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết điểm đến để hình thành các vùng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Để đạt mục tiêu này, việc từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, đường dân sinh luôn là ưu tiên của huyện.

Trong thời gian tới, từ các nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (như Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Quốc hội; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho đồng bào), huyện Đông Giang sẽ lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng các tuyến đường liên xã, liên thôn trọng điểm, mở đường đến các vùng sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm