Thông tin từ Bộ Y tế ngày 24/2 cho biết: Lô hàng gồm 117.600 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2021. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt kịp thời, đúng lúc cả nước ta đang ứng phó với đợt dịch bùng phát mới. Bộ Y tế sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Hiện Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác để cung cấp đầy đủ cho người dân trong năm.
Vaccine này sẽ giúp Việt Nam tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bộ Y tế đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan, bộ, ngành liên quan, AstraZeneca Việt Nam và Hệ thống tiêm chủng VNVC đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận vaccine phòng COVID-19.
Vaccine đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1; đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID -19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Vaccine COVID-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Lô vaccine này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu; đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vaccine trong cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX)...
PV