Theo kế hoạch của Bộ Y tế sẽ có 11 đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 từ nguồn của COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu), bao gồm: nhân viên y tế, nhân viên tham gia chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền mãn tính…
Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19
Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vaccine hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2022 là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vaccine phòng COVID19, 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19; đồng thời đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Chương trình COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu) do GAVI, WHO sáng lập để cung cấp vaccine COVID-19 cho 190 quốc gia. Ngày 10/12/2020, GAVI đã chính thức xác nhận Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Chương trình và được hỗ trợ vaccine. Mới đây, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ.
Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vaccine COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm: Cụ thể, 11 nhóm đối tượng bao gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, với nguồn cung ban đầu hạn chế, trước tiên sẽ ưu tiên cho nhân viên y tế tuyến đầu, những người có nguy cơ phơi nhiễm và mắc COVID-19 cao nhất, để bảo vệ và bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch. Khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng hơn và theo yêu cầu, giúp người dân tiếp cận vaccine công bằng, công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng COVID-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vaccine.
Liên quan đến vấn đề bảo quản vaccine phòng COVID-19 khi về Việt Nam, hiện Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86°C, 51 kho lạnh từ 2-8°C của Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng hệ thống thiết bị vận chuyển vaccine chuyên dụng với khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vaccine. Đây là điều kiện quan trọng để tiến đến nhập số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 cần lưu trữ ở nhiệt độ âm sâu.
Bộ Y tế cũng đã khảo sát hệ thống kho lạnh hiện có và khẳng định hệ thống này hiện nay có thể bảo quản cùng lúc 3 triệu liều ở nhiệt độ âm sâu (- 70 độ C), 1,8 triệu liều ở nhiệt độ -25 đến -15 độ C và sẵn sàng bảo quản hàng chục triệu liều ở nhiệt độ 2-8 độ C (hầu hết vaccine cần bảo quản ở nhiệt độ này).
Ông Bùi Kim Khánh, Giám đốc toàn quốc Hệ thống VNVC nhấn mạnh, VNVC đã sẵn sàng đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất để có thể đáp ứng phục vụ đến 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho mỗi tháng.
Nỗ lực để người dân sớm được tiếp cận với vaccine phòng COVID-19
Tính đến ngày 8/2/2021, thế giới có 11 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn và nhiều quốc gia cho phép lưu hành/nhập khẩu khẩn cấp. Việt Nam cũng đã phê duyệt nhập khẩu khẩn cấp 1 loại vaccine trong số này. Ngoài ra còn 237 vaccine đang trong quá trình phát triển, trong đó Việt Nam có 3 sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngoài vaccine được COVAX viện trợ (30 triệu liều) cho năm 2021 và vaccine Việt Nam đã đặt mua của Công ty AstraZeneca (30 triệu liều), Việt Nam còn cần thêm 90 triệu liều vaccine trong năm nay. Do đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán mua vaccine phòng COVID-19. Các hãng vaccine mà Việt Nam đang thương thảo là vaccine của Nga và Mỹ. Bộ Y tế cũng cho biết, chỉ chọn mua các vaccine an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA) và giá phù hợp.
Để nhanh chóng có vaccine, Bộ Y tế thực hiện cơ chế cấp phép thần tốc, trong 5 ngày, Bộ Y tế sẽ phải thực hiện tất cả các quy tình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vaccine để cấp phép sớm. Tinh thần là giảm thiểu tối đa dịch vụ hành chính trên cơ sở khẩn cấp. Quan điểm chung là làm sao để mỗi người dân đều được tiếp cận với vaccine.
Bên cạnh tìm nguồn vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 ở trong nước. Trong đó Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tốt giai đoạn 1, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine, hy vọng Việt Nam hoàn thành giai đoạn 3 trong khoảng 4-5 tháng nữa. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Ngoài vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, tiến độ sản xuất vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và vaccine của Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Minh Hiếu (tổng hợp)