Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”, chiều 16/4, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu".

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải - Trưởng Ban Tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 nhấn mạnh: Tỉnh xác định năm 2022 là bước đà mới để du lịch Lai Châu phát triển trong bối cảnh bình thường mới, xây dựng các sản phẩm uy tín và thương hiệu du lịch trên bản đồ Du lịch Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, để du lịch Lai Châu có thể đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch địa phương kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng trong khu vực và cả nước; tạo sức hấp dẫn để các công ty lữ hành xây dựng tour du lịch trong nước và quốc tế; hướng tới mục tiêu trong tương lai không xa du lịch Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu ảnh 2Các đại biểu tìm hiểu cuốn cẩm nang du lịch Lai Châu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh cam kết luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình triển khai, xây dựng các chương trình tour và hoạt động du lịch tại địa phương. Mảnh đất Lai Châu sẽ luôn dành những tình cảm thân thiện, chào đón sự trở lại của đoàn Famtrip vào một ngày gần nhất, để Lai Châu tiếp tục giới thiệu nét hấp dẫn, đặc trưng của tỉnh đến các bạn.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu ảnh 3Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Quý Phương phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN


Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Sau hơn 2 ngày đi khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên tuyến thành phố Lai Châu - Tam Đường - Phong Thổ - Sìn Hồ (Lai Châu), tọa đàm là dịp để các đại biểu cùng nhau đánh giá tính khả thi của sản phẩm du lịch và khả năng liên kết sản phẩm du lịch Lai Châu với các địa phương trong cả nước. Các doanh nghiệp lữ hành đánh giá đúng thực trạng, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng và đóng góp ý kiến cụ thể với Lai Châu trong thời gian tới để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. Tỉnh Lai Châu cũng cần đưa ra chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành đầu tư phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu ảnh 4Đến với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Giáy, du khách được chiêm ngưỡng và thưởng thức món kẹo bỏng truyền thống của người Giáy được chế biến trực tiếp. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Sau khi đi tham quan, khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các đại biểu dự tọa đàm đã đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của các điểm du lịch, sản phẩm du lịch tỉnh Lai Châu; đồng thời đưa ra thực trạng và các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam nêu rõ, Lai Châu đang quan tâm phát triển đến du lịch cộng đồng, nhưng đây là bài toán khó cho du lịch Lai Châu. Bởi vì phát triển du lịch cộng đồng cần phải huy động được sự tham gia hưởng ứng của tất cả người dân trong một bản, một làng; khi làm du lịch người dân phải có nhiệt huyết, "trái tim" làm du lịch. Cho nên Lai Châu hết sức cẩn thận và nỗ lực cố gắng hơn nữa nếu đi theo hướng này. Tỉnh nên phát triển giá trị văn hóa truyền thống bằng việc thành lập bảo tàng nông thôn, công viên văn hóa để quy tụ các dân tộc thiểu số; tranh thủ hưởng lợi từ du lịch Sapa để thu hút khách nhưng phải có hướng đi và đặc trưng riêng của tỉnh.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu ảnh 5Nhảy sạp - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái thu hút đông đảo du khách tại không gian văn hóa của đồng bào Thái huyện Phong Thổ. Ảnh: Quý Trung -  TTXVN

Ông Dương Đại Lâm, Phó Giám đốc - Đồng sáng lập Indochina Pioneer cho rằng, Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch để tổ chức theo tour và bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là điểm nhấn. Tỉnh nâng cao các sản phẩm lưu trú và gắn liền với thiên nhiên; có cơ chế chính sách phù hợp, ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng phải có chọn lọc với những doanh nghiệp tâm huyết, không nên ồ ạt đầu tư các điểm du lịch làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ; tại các bản du lịch còn trang trí một cách cẩu thả, chưa có sự chau chuốt.

Bà Dương Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Du lịch Sovilaco nhấn mạnh, sau khi đi tham quan các điểm du lịch Lai Châu thấy được phong cảnh của tỉnh đẹp nhưng cần có điểm dừng chân để khách chụp ảnh, check-in... Tuy nhiên, tỉnh cũng lưu ý đến vấn đề vệ sinh, đẩy mạnh công tác truyền thông; phát triển du lịch cần gắn với các nghề truyền thống của tỉnh; đường đi giữa các điểm du lịch của tỉnh còn xa, nên kết nối với các tỉnh khác để mở các tour du lịch.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu ảnh 6Tiết mục biểu diễn văn nghệ của phụ nữ dân tộc Lự sống tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Trước đó, trong hai ngày (14-16/4), Đoàn Famtrip do ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch làm Trưởng đoàn cùng gần 100 đại biểu đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong nước và các đại biểu của tỉnh Phông Sa Lỳ (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã đi tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Khu du lịch Cầu kính rồng mây, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, bản Sin Suối Hồ, bản Thẳm, bản Nậm Mạ...

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm