Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII:

Liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng Ngày hội của đồng bào Khmer Nam bộ

Liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng Ngày hội của đồng bào Khmer Nam bộ
Tham gia Liên hoan năm nay, các đoàn nghệ thuật quần chúng đã tái hiện lại các nghi lễ tiêu biểu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong ngày Tết Chôl Chhnăm Thmây (Vào năm mới) lễ chịu tuổi.  

Điều thể hiện rõ nhất, trang phục người dân tộc Khmer mặc trong sinh hoạt hàng ngày hay vào các ngày Lễ, Tết, cưới hỏi có nhiều nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn là sự cộng hưởng của phong tục, tập quán trong cuộc sống đời thường và các lễ hội truyền thống.
Hoạt cảnh tái hiện các nghi thức trong lễ cưới cổ truyền của đồng bào Khmer Nam bộ do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Long biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Hoạt cảnh tái hiện các nghi thức trong lễ cưới cổ truyền của đồng bào Khmer Nam bộ do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Long biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Bên cạnh trang phục, ở Liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng năm nay, ngoài việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các dàn nhạc Ngũ âm, dàn nhạc lễ của đồng bào Khmer, qua các tiết mục biễu diễn ca, múa nhạc như Phum sóc đón ngày hội mới, Duyên dáng Chăm pây, Châu Thới sáng mãi đền thờ Bác… tạo nên sân khấu hóa thêm rộn ràng nhiều màu sắc. Cùng với đó, các trích đoạn lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Lễ cúng ông bà, mang vật phẩm đến chùa cúng Phật, tụng kinh, những trò chơi dân gian vui nhộn, hấp dẫn, tạo nên không gian văn hóa độc đáo, mang nét đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ.

Theo Ban tổ chức Ngày hội, điểm mới của Liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng đồng bào Khmer Nam bộ năm nay là việc thiết kế chương trình, các tiết mục biểu diễn gắn với cuộc sống đời thường. Bên cạnh lực lượng diễn viên, nghệ nhân lớn tuổi, còn có nhiều diễn viên, nghệ nhân trẻ tuổi tham dự. Đây là lực lượng kế thừa, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ. 

Tiết mục múa "cùng nhảy múa với chim công" do đoàn nghệ thuật quần chúng thành phố Cần Thơ biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Tiết mục múa "cùng nhảy múa với chim công" do đoàn nghệ thuật quần chúng thành phố Cần Thơ biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Ông Nguyễn Kiều Linh, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam– Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Ngày hội nhấn mạnh, Liên hoan văn hóa - nghệ thuật lần này, các đoàn giới thiệu cho người xem những nét đặc trưng từng vùng, miền, phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ.

Liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng đồng bào khmer Nam bộ năm nay quy tụ hơn 500 người là những người sáng tác, dàn dựng, nghệ nhân và diễn viên tham gia đến từ 12 tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer sinh sống khu vực Nam bộ. 

Tiết mục "Cùng nhảy múa với chim công" do đoàn nghệ thuật quần chúng thành phố Cần Thơ biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Tiết mục "Cùng nhảy múa với chim công" do đoàn nghệ thuật quần chúng thành phố Cần Thơ biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Các đoàn tham gia biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đặc trưng, trình diễn trang phục truyền thống và trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ, lần thứ VII năm 2017, Vương Phương Nam nhấn mạnh, Liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng Khmer Nam bộ được tổ chức nhằm khơi dậy tiềm năng văn hóa phong phú, độc đáo của dân tộc Khmer. Qua đó, phát huy các tài năng nghệ thuật, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ trong vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; từng bước đa dạng các loại hình hoạt động, tạo không khí phấn khởi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân tại cơ sở, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số./.
Huỳnh Sử

Có thể bạn quan tâm