Lễ hội Xuân mùa dịch: Giữ giá trị tâm linh cốt lõi

Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ảnh: Thu Hương - TTXVN
Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội các loại trong năm, tập trung vào mùa Xuân – từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng Ba âm lịch. Theo Giáo sư Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức, nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành.

Lễ hội Xuân mùa dịch: Giữ giá trị tâm linh cốt lõi ảnh 1Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Tuy nhiên, vào mùa Xuân Nhâm Dần 2022 đã có nhiều thay đổi so với các năm chưa có dịch COVID-19. Những hoạt động vui chơi, giải trí đơn thuần, các lễ hội “non trẻ” bị hạn chế hoặc tạm dừng tổ chức, riêng với hoạt động lễ hội truyền thống, điều quan trọng là phải giữ phần lễ - yếu tố tinh thần.

Nét đẹp văn hóa, cầu nối với cội nguồn

Giáo sư Hoàng Chương cho biết: Các lễ hội được truyền từ đời này sang đời khác và được tổ chức chủ yếu ở cấp làng, xã, người dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ những anh hùng, những người có công với dân, mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Mỗi một lễ hội được sinh ra và tồn tại đều gắn với một vùng đất nhất định. Bởi thế lễ hội ở vùng nào mang sắc thái của vùng đó. Tính địa phương của lễ hội chính là điều chứng tỏ lễ hội gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của nhân dân, nó đáp ứng những nhu cầu tinh thần và văn hóa của nhân dân, không chỉ ở nội dung lễ hội mà còn ở phong cách của lễ hội nữa. Phong cách đó thể hiện ở lời văn tế, ở trang phục, kiểu lọng, kiểu kiệu, kiểu cờ, ở lễ vật dâng cúng...

Vì vậy, để bảo đảm giá trị nhân văn sâu sắc và yếu tố tâm linh của lễ hội, cơ quan tổ chức lễ hội nên tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian, địa điểm, nghi thức hành lễ, đạo cụ, trang phục, nội dung lễ hội. Khi phục dựng lễ hội, nhất thiết phải xác định các giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng cũng như những biểu hiện đặc trưng của lễ hội, tránh làm sai lệch lễ hội mỗi lần khai thác.

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình.

Trước hết trong các lễ hội Xuân ở Việt Nam phải kể đến Giỗ Tổ Hùng Vương (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Trong vòng 6 ngày, từ mùng 5 đến ngày 10 tháng Ba âm lịch, nghi lễ của Lễ hội gồm hai phần chính gồm rước kiệu vua và lễ dâng hương. Ngoài ra, lễ hội cũng diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian hấp dẫn như: Hát xoan, đấu vật, kéo co, bơi…

Tiếp đến là lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Lễ hội lớn này diễn ra tại trung tâm Thủ đô, đúng ngày mùng 5 Tết và được coi là quốc lễ. Lễ hội nhằm tái hiện lại chiến thắng gò Đống Đa và để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung. Du khách được chứng kiến các trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ và chứng kiến lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng đã hy sinh vì dân vì nước.

Lễ hội Khai ấn đền Trần (tỉnh Nam Định) diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng nhằm để tri ân công đức của các vị vua Trần. Hội được bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý.

Lễ hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài đến tận tháng Ba âm lịch. Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh. Yên Tử chính là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật Giáo Việt Nam.

Tại miền Trung có lễ hội Đền vua Mai (Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, được sinh ra và lớn lên lại xã Đông Liệt (nay đã được đổi tên thành xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Hội vật làng Sình (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của cố đô, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội Cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ) còn có tên gọi khác là Lễ hội Cá Ông, được xem là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung Bộ. Lễ hội sẽ được tổ chức vào tháng Giêng với mong muốn có một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Tại các tỉnh phía Nam trong số các ngày hội Xuân có Lễ hội núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (tỉnh Bình Dương) bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng và diễn ra trong 3 ngày, mang đậm nét văn hóa độc đáo của vùng Đông Nam Bộ.

Lễ hội đền Đức Thánh Trần (Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất của thành phố, diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch, để tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, và cũng là dịp để giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ thanh niên.

Giữ lại yếu tố tâm linh cốt lõi

Giáo sư Hoàng Chương lý giải: Dân tộc ta từ xưa đến nay đã có câu “Uống nước nhớ nguồn”, chính từ đó ta mới có những lễ hội, bởi tính vui chơi, giải trí chỉ là một phần trong lễ hội, quan trọng nhất đó là yếu tố tâm linh, lễ hội đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, từ đó trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đặc biệt phải tuyên truyền làm sao để thế hệ trẻ bây giờ hiểu được ý nghĩa giá trị của văn hóa dân tộc, của văn hóa tâm linh. Từ đó sẽ thay đổi nhận thức của người dân về các lễ hội không phải là vì lợi ích cá nhân, không phải vì tính thương mại nữa mà tham gia lễ hội là để tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 11-CT/TW từ Ban Bí thư, Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi công điện đến chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các địa phương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội, đối với hoạt động lễ hội truyền thống thì không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức các nghi lễ.

Đến thời điểm hiện tại, tùy theo diễn biến cụ thể của dịch COVID-19 ở địa phương mà các tỉnh, thành phố trên cả nước nhìn chung đều tuân thủ nguyên tắc cố gắng giữ phần lễ, giảm hoặc bỏ phần hội. Nơi nào dịch bệnh phức tạp và khó có điều kiện đảm bảo an toàn thì không tổ chức các lễ hội mùa Xuân.

Tại cuộc họp về việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày 15/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, sự kiện này gắn với kỷ niệm 10 năm "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2022 có chủ đề: "Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" được tổ chức với quy mô cấp tỉnh trong 5 ngày, bắt đầu từ mùng 6/3 đến hết ngày 10/3 âm lịch (từ 6-10/4/2022).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng là nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày quốc lễ của dân tộc Việt Nam, vì vậy, việc tổ chức phần lễ phải đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính. Song, trong điều kiện có dịch COVID-19 nên phần lễ chỉ bao gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 6/3 âm lịch. Lễ Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch. Về phần hội, tỉnh không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người mà chỉ tổ chức một số hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: đánh trống đồng, đâm đuống (giã gạo), diễn xướng hát xoan tại các làng xoan cổ, múa rối nước, bơi chải truyền thống. Tỉnh quyết định không tổ chức một số hoạt động như: Hội chợ Hùng Vương, Giải Bóng chuyền Cúp Hùng Vương, Lễ hội đường phố…

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, UBND thành phố Hà Nội cho phép huyện Mỹ Đức mở cửa khu di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương), bắt đầu từ ngày 16 tháng Giêng âm lịch (16/2 dương lịch). Tuy nhiên, trong mùa lễ hội năm 2022 chùa Hương đã không tổ chức khai hội như truyền thống hằng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng.

Các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội như: Lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn)… không được tổ chức, chỉ có phần nghi lễ dâng hương ở quy mô nhỏ.

Tại tỉnh Ninh Bình, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Bái Đính chỉ cử hành phần lễ, không tổ chức phần hội như mọi năm; các nghi lễ chính được tổ chức trang trọng. Ngày 6 tháng Giêng (ngày 6/2 dương lịch), ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tổ chức khai mạc Lễ hội chùa Bái Đính. Năm nay, trong ngày khai hội chỉ có phần lễ mà không có phần hội. Các nghi lễ chính gồm có lễ rước nước, rước bài kiệu đến nghi lễ dâng hương, dâng lục cúng, dâng hương bạch Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không. Lễ tế thần Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn đều được tổ chức theo nghi lễ nhà Phật để cầu nguyện cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đất nước phồn vinh, no ấm.

Vì dịch bệnh COVID-19, năm nay là năm thứ ba liên tiếp Đền Trần (tỉnh Nam Định) không tổ chức lễ hội khai ấn. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý đền Trần cho biết, lễ khai ấn không đón khách vào đêm ngày 14 tháng Giêng như thường lệ song vẫn diễn ra và do các cụ cao niên họ Trần thực hiện mà không có đại biểu tham dự. Hoạt động phát ấn được tổ chức sau ngày 15 âm lịch tại đền và ấn được gửi qua đường bưu điện cho những ai đã đăng ký trước.

Tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần, chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, thành phố Uông Bí) tổ chức lễ khai Xuân để người dân, phật tử thập phương về chùa du Xuân, lễ Phật, không tổ chức phần hội để phòng, chống dịch bệnh.

Tại tỉnh Hà Nam, Lễ hội Tịch điền chỉ tổ chức phần lễ với quy mô gọn song vẫn đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, giữ được ý nghĩa tâm linh cốt lõi….

Trần Quang Vinh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm