Khai hội Đền Xã Tắc vùng biên năm 2019. Ảnh: Văn Đức - TTXVN |
Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu Tổ quốc, đền Xã Tắc là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, khắc ghi dấu ấn lịch sử, nơi ông cha ta trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân đất Việt. Với giá lịch sử khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, những nét đặc trưng riêng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam và như một cột mốc văn hóa nơi biên ải, đền Xã Tắc trở thành điểm đến tâm linh đối với nhân dân và du khách thập phương khi đặt chân tới vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.
Khai hội Đền Xã Tắc vùng biên năm 2019. Ảnh: Văn Đức - TTXVN |
Đền Xã Tắc được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Theo sử sách chép lại, Đền Xã Tắc được xây dựng từ khoảng cuối thế kỉ 13, đầu thế kỉ 14 để thờ thần thành hoàng Châu Móng Cái xưa là Xã Tắc đại vương. Trước kia, ngôi đền ở sát mép sông Thác Mang, trong một lần bão lớn vào khoảng đầu thế kỉ 20, ngôi đền cũ bị sạt lở, người dân trong vùng đã chuyển ngôi đền vào khu Soáy Nguồn như ngày nay.
Khai hội Đền Xã Tắc vùng biên năm 2019. Ảnh: Văn Đức - TTXVN |
Trải qua nhiều lần trùng tu, đền Xã Tắc bề thế như bây giờ được xây dựng trên nền đền cũ bằng sự phát tâm công đức của đông đảo nhân dân, tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền đất nước. Ba pho tượng thánh được thờ tại đền gồm Thần chủ Xã Tắc đại vương, Cao Sơn đại vương và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Lễ hội đền Xã Tắc năm 2019 gồm các nghi lễ chính như: Lễ cấp thủy (lấy nước) tại đền Xã Tắc - bến sông Ka Long - ngã ba Soáy Nguồn; lễ mộc dục (tắm tượng) tại đền; lễ nghinh thần (rước thần Xã, thần Tắc du hương/du Xuân) theo cung đường từ đền Xã Tắc - đường Tuệ Tĩnh - cầu Hòa Bình - đại lộ Hòa Bình - vòng xuyến Trà Cổ - đường Hùng Vương - cầu Ka Long và trở về đền; lễ an vị tượng tại đàn tế; lễ tế Xã Tắc; lễ dâng lễ vật của các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn thành phố; lễ xuất tịch tại đền Xã Tắc...
Văn Đức
TTXVN