Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Quảng bá thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam

 Khai trương điểm điểm check in trên tuyến đường đi bộ Phan Đình Giót, thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian diễn ra Lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Khai trương điểm điểm check in trên tuyến đường đi bộ Phan Đình Giót, thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian diễn ra Lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 (từ ngày 10-14/3/2023) tại Đắk Lắk với 18 hoạt động chính thức nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Theo Ban Tổ chức, Lễ hội lần này được tổ chức quy mô lớn, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới". Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho nhân dân, du khách tham gia lễ hội.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Quảng bá thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam ảnh 1 Khai trương điểm check in trên tuyến đường đi bộ Phan Đình Giót, thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian diễn ra Lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Sẵn sàng phục vụ du khách

Theo Ban Tổ chức, Lễ hội dự kiến thu hút khoảng 50.000 lượt khách. 37 đoàn khách quốc tế đến từ Đại sứ quán United States, Australia, Mongolia, Maroc, Angola, Saudi Arabia tại Hà Nội; các Tổng Lãnh sự quán India, Cambodia, Cuba, Russia tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng lãnh sự quán Laos tại Đà Nẵng. Ngoài ra, hai đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Laos), Jeollabuk (South Korea) đăng ký tham gia biểu diễn trong lễ hội.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ đón và phục vụ đoàn khách quốc tế, Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng phục vụ tốt nhất các đoàn khách quốc tế tham dự hoạt động của Lễ hội.

Bà Nguyễn Huyền Trâm, Trưởng Phòng Kinh doanh và tiếp thị của Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê cho biết, hiện khách sạn có 130 phòng, khả năng phục vụ khoảng 250 khách, đến nay, 100% phòng đã được bố trí khách. Với đặc thù là phục vụ khách quốc tế, khách sạn phối hợp với các sở, ban, ngành chuẩn bị kỹ khâu đón tiếp, bảo đảm an ninh trật tự khu vực lưu trú của khách quốc tế, chuẩn bị nguồn thực phẩm sạch phục vụ khách. Khách sạn tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên, bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Với đặc thù đơn vị kinh doanh tổ hợp các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ lữ hành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư du lịch và thương mại Đam San (Đam San Tourist) hoàn tất khâu chuẩn bị phục vụ lượng khách lớn đến với Lễ hội.

Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Đam San Tourist cho biết, dịp Lễ hội, lượng khách tăng đột biến. Đơn vị đã tổng vệ sinh khách sạn, cải tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; đồng thời, hoàn tất khâu chuẩn bị về nhân lực, nguồn thực phẩm, hệ thống tour tham quan… sẵn sàng phục vụ du khách trong thời gian lưu trú, tham dự Lễ hội và sử dụng tour du lịch.

Đặc biệt, đối với tour du lịch trải nghiệm cà phê, Công ty phối hợp với các hộ dân trồng cà phê ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) điều chỉnh thời gian tưới nước để vườn cà phê nở hoa đúng thời điểm diễn ra Lễ hội. Qua đó, du khách có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình chế biến, rang xay, thưởng thức cà phê ngay tại vườn cùng người dân địa phương. Đây cũng là điểm nhấn nhằm góp phần mang hình ảnh cà phê Đắk Lắk đến đông đảo bạn bè trong nước và thế giới.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, 12 doanh nghiệp lữ hành xây dựng 42 tour du lịch phục vụ du khách trong thời gian diễn ra lễ hội. Có nhiều tour hấp dẫn, đặc sắc, mới lạ, linh động về thời gian, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho du khách gắn với thời gian diễn ra hoạt động của lễ hội.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành rà soát chương trình đã có, kiểm tra và chuẩn bị điều kiện tốt nhất phục vụ du khách, đảm bảo an ninh, tuyệt đối an toàn cho du khách; nghiêm túc quán triệt tinh thần, thái độ đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ của nhân viên nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Quảng bá thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam ảnh 2Chỉnh trang đô thị Buôn Ma Thuột để chuẩn bị phục vụ Lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đảm bảo an toàn cho du khách

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương cùng ngành Y tế, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tăng cường quản lý, giám sát về giá, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đối với các khu, điểm du lịch, Sở đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm việc phục vụ khách, đảm bảo tất cả điều kiện phục vụ khách, không tăng giá. Tỉnh sẽ có 3 điểm hỗ trợ thông tin về Lễ hội cho du khách và ba đường dây nóng để người dân, khách du lịch phản ánh những vấn đề liên quan đến việc tổ chức, giá dịch vụ, chất lượng phục vụ du lịch.

Đơn vị kinh doanh lưu trú, khu, điểm du lịch và bảo tàng, bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, điều kiện cần thiết phục vụ khách tham quan du lịch; tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá vé tham quan, giữ xe các loại, giá dịch vụ của đơn vị và bán đúng giá niêm yết. Cùng với đó là đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm...

"Tại các điểm du lịch có sông, hồ, thác nước như: sông Sêrêpôk, hồ Lắk, cụm thác Dray Nur và Dray Sáp Thượng, thác Thủy Tiên..., Sở yêu cầu đơn vị khai thác du lịch chuẩn bị tốt phương tiện, lực lượng cứu hộ, phối hợp với cơ quan y tế, lực lượng khác bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ trong những ngày diễn ra Lễ hội nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của khách du lịch và nhân dân đến tham quan", bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết thêm.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng Công an, Quân đội phối cùng chính quyền địa phương và đơn vị liên quan giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh. Đặc biệt, lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phân luồng, kiểm soát giao thông phục vụ nhân dân và du khách đi lại thuận tiện trong quá trình tham gia Lễ hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là Lễ hội cấp quốc gia được Chính phủ cho phép tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Đây là cơ hội để tỉnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo công tác chuẩn bị tốt nhất có thể với những chuỗi hoạt động lễ hội tạo sự hài lòng, ấn tượng sâu sắc cho người dân, du khách. Đặc biệt là đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và từng bước đưa đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới theo đúng chủ đề của Lễ hội.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm