Xây dựng 42 tuyến du lịch phục vụ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8

Trưng bày, giới thiệu hương vị cà phê tại buổi giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Trưng bày, giới thiệu hương vị cà phê tại buổi giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá sản phẩm du lịch mới là một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, 12 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 42 tuyến du lịch trong thời gian diễn ra Lễ hội (ngày 10 - 14/3/2023).

Các tuyến du lịch linh động về thời gian, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho du khách. Đa số các đơn vị lữ hành đều xây dựng tuyến du lịch 1 ngày, 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm, trong đó tuyến 4 ngày 3 đêm được thiết kế sát với thời gian và các hoạt động của Lễ hội để tạo điều kiện cho du khách tham quan du lịch, tham gia Lễ hội.

Du khách có thể lựa chọn tuyến du lịch phù hợp để tham gia các hoạt động chính của Lễ hội như: Lễ khai mạc, Lễ hội đường phố, Hội voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Lễ hội Ánh sáng, thưởng thức vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Các đơn vị lữ hành khi thiết kế, xây dựng các tuyến du lịch đã chú trọng quảng bá, đưa các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh vào chương trình để du khách tham quan như Làng cà phê Trung Nguyên, Bảo tàng Thế giới cà phê, Khu Du lịch sinh thái Văn hóa cộng đồng Ko Tam, Khu Du lịch Hồ Lắk, buôn Akô Dhông, Núi đá Voi - Yang Tao, Trung tâm Du lịch cầu treo Buôn Đôn, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Khu Du lịch sinh thái Troh Bư.

Nhiều tuyến hướng đến hoạt động du lịch trải nghiệm như đạp xe, leo núi, chèo thuyền vượt thác sông Sêrêpôk, tắm sông tại Khu Du lịch sinh thái Dray Nur; đạp xe 3 tiếng trong rừng, tham quan tìm hiểu các loài động thực vật tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đặc biệt, nhiều tuyến được thiết kế cho du khách tìm hiểu đời sống, văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của người Ê đê, người M’nông và văn hóa, ẩm thực của người Lào ở Tây Nguyên.

Các tuyến du lịch còn hướng tới quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Các doanh nghiệp du lịch như tạo điều kiện cho du khách chiêm ngưỡng các loại cây cà phê, gốc cà phê trên 30 năm tuổi, tìm hiểu lịch sử nguồn gốc và các loại cà phê phổ biến, giá trị của cây cà phê, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, thưởng thức sản phẩm cà phê, tham quan cơ sở rang xay cà phê; đồng thời tham quan vườn ca cao, cao su, hồ tiêu.

Các tuyến du lịch trên hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Liên quan đến nội dung này, ngày 22/2, Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch và lưu trú tuyên truyền, giới thiệu các chương trình du lịch trong thời gian diễn ra Lễ hội để người dân, du khách trong và ngoài nước biết, đăng ký tham gia.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch, khu/điểm du lịch và bảo tàng trên địa bàn tỉnh chuẩn bị điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách, đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn cho du khách; xây dựng các chương trình du lịch gắn với cà phê, sinh thái, văn hóa, mạo hiểm phục vụ Lễ hội; xây dựng các chương trình khuyến mãi chào mừng Lễ hội. Các đơn vị phải tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết giá vé tham quan, giá vé giữ xe, giá các dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, bảo đảm vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường phòng, chống cháy nổ và phòng, chống dịch bệnh

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm