Lê Chí Thanh - Người say mê nghiên cứu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng

Lê Chí Thanh - Người say mê nghiên cứu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng

Bằng tình yêu và lòng say mê với những làn điệu dân ca các dân tộc miền non nước Cao Bằng, nhiều năm qua, ông Lê Chí Thanh (Tổ 2, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng) đã dày công sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Việc làm của ông Thanh đã góp phần làm tốt công tác bảo tồn, nghiên cứu, tiếp thêm sức sống, niềm đam mê những làn điệu dân ca các dân tộc cho thế hệ trẻ ở Cao Bằng.

Lê Chí Thanh - Người say mê nghiên cứu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng ảnh 1Ông Lê Chí Thanh đam mê sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN.

Ông Lê Chí Thanh (sinh năm 1950) từng làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng), Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng, vì vậy ông có những kiến thức, sự am hiểu nhất định về các làn điệu dân ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Khi nghỉ hưu, ông Thanh tiếp tục dành phần lớn thời gian để chuyên tâm nghiên cứu và làm sống dậy các làn điệu dân ca như hát then, hát dá hai, lượn, dân ca Mông, Dao

Ông Thanh cho biết, thời gian công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng đã giúp ông tiếp cận ngay từ đầu Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Lúc đó, trên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, ông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều đề án về phát triển văn hóa; trong đó, có việc hợp nhất các cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Trong quá trình chỉ đạo ngành Văn hóa - Thông tin, ông luôn quan tâm tới phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, xây dựng các đội văn nghệ thôn bản, đội văn nghệ xung kích lực lượng vũ trang, đội thông tin lưu động tuyên truyền hoạt động văn hóa tới các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Năm 2011, ông Thanh về nghỉ hưu theo chế độ, lúc này ông có nhiều thời gian nên có điều kiện dồn toàn lực vào công tác nghiên cứu bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Trên cương vị Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, ông Thanh đã xác định rõ hai mục tiêu của Hội là tạo ra các điều kiện cần thiết để Hội đứng vững và phát triển; đẩy mạnh công tác bảo tồn và khai thác, phát huy vốn dân ca phong phú đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lê Chí Thanh - Người say mê nghiên cứu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng ảnh 2Khi nghỉ hưu, ông Thanh tiếp tục dành phần lớn thời gian để chuyên tâm nghiên cứu và làm sống dậy các làn điệu dân ca truyền thống. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Với mục tiêu trên, ông đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển số lượng hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đến nay, Hội ngày càng lớn mạnh, có trên 2.000 hội viên, 9/10 huyện, thành phố thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc; mở các lớp dân ca ngắn ngày cho hơn 650 học sinh, người dân đam mê dân ca. Cùng với đó, Hội chú trọng việc sáng tác, đặt lời mới cho các bài hát dân ca; thực hiện nhiều sản phẩm dân ca phục vụ những nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu thưởng thức dân ca của nhân dân, quảng bá dân ca các dân tộc...

Bên cạnh việc lãnh đạo Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, bản thân ông Thanh cũng dành nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu, viết bài tuyên truyền, quảng bá các làn điệu dân ca Cao Bằng. Ông là chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học lớn về dân ca Cao Bằng như: “Văn hóa người Tày Ngạn Cao Bằng”, “Bảo tồn các làn điệu dân ca gốc của Cao Bằng”, “Dân ca Nùng Khen Lài của Cao Bằng”, “Nghiên cứu, đề xuát giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, tỉnh Cao Bằng”…

Trong số những đề tài ông Thanh làm chủ nhiệm thì Đề tài “Phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa Dá hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng” là đề tài nghiên cứu khoa học ông tâm đắc và luôn trăn trở. Ông Thanh chia sẻ, đề tài viết về Dá hai ở Thông Huề được thực hiện trong ba năm (2000-2022) là một dự án lớn, sau khi hoàn thành, Dá hai sẽ được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Tham vọng lớn hơn của đề tài khoa học này là phát triển dân ca gắn với phát triển du lịch Cao Bằng. Trong đó, đề tài xác định xây dựng Thông Huề trở thành “một phố cổ Hội An” thu nhỏ. Lúc đó, trên sông Thông Huề sẽ có những đội hát Dá hai. Làn điệu dân ca này sẽ trở thành bản sắc, níu chân và lưu lại trong trí nhớ của những du khách khi đến du ngoạn cảnh đẹp miền non nước Cao Bằng…

Rất cố gắng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, nhưng ông Thanh vẫn luôn trăn trở về tính kế thừa và phát triển của văn hóa văn nghệ dân gian. Để bảo tồn và lan tỏa được các giá trị này rất cần có sự chung tay của các cấp, ngành. Theo ông, hiện nay nhiều nhà nghiên văn hóa dân gian tỉnh Cao Bằng chỉ đang tập trung vào các làn điệu hát then, hát lượn của đồng bào Tày – Nùng. Trong khi đó, văn hóa các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ cũng rất độc đáo và hấp dẫn, nhưng rất ít người dày công tìm hiểu và đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát huy. Ông mong muốn dân ca Cao Bằng cần được nghiên cứu, soạn thảo cẩn thận và đưa vào giảng dạy trong các trường học, được phổ biến rộng rãi và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong quần chúng nhân dân…

Với những đóng góp trong việc bảo tồn, giữ gìn các làn điệu dân ca Cao Bằng, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng Lê Chí Thanh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2011); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (năm 2010), Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020…

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm