Thời gian qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác cát ở thượng nguồn... cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế-xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.
Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục phòng chống thiên tai) Tăng Quốc Chính giới thiệu biển báo nguy hiểm trong bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 185/TB-CP ngày 18/5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai một số nội dung như: Rà soát, đánh giá, phân loại sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở đề xuất giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài. Theo đó, xác định 562 điểm/786 km sạt lở bờ sông, bờ biển (513 điểm/520 km sạt lở bờ sông, 49 điểm /266 km sạt lở bờ biển), trong số đó có 55 điểm/173 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng bản đồ sạt lở, tiến hành cập nhật dữ liệu các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm lên bản đồ trực tuyến (WEBGIS). Việc giới thiệu Bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm cung cấp những điểm cụ thể, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai. Trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trước mắt sẽ hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa trong việc theo dõi, kiểm soát diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ổn định dân sinh vùng ven sông, ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Giám đốc sở NN&PTNT An Giang Lữ Văn Nhường phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng, Bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long được triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến một cách nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản hướng dẫn chi tiết địa phương triển khai thực hiện việc cắm biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở để tổ chức di dời và chủ động kế hoạch di dời những hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi an toàn, quản lý việc khai thác cát sỏi lòng sông, hạn chế việc xây dựng nhà ở công trình ven sông, ven biển… làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thắng Trung