Ông Phùng Tiến Quang được tặng bằng khen trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, lão nông Phùng Tiến Quang với nụ cười nhân hậu, chất phác, kể: Ông quê gốc ở tỉnh Bắc Giang, sau nhiều năm làm cán bộ kiểm định chất lượng sản phẩm cho Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, đến năm 1990, do sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ việc về quê phụ vợ tăng gia sản xuất. Năm 1996, ông đưa gia đình vào vùng đất mới miền Nam lập nghiệp. Với vốn liếng tích góp nhiều năm từ quê nhà, ông mua đất rẫy để trồng trọt, chăn nuôi. Những ngày đầu vào vùng đất đỏ Bình Phước, ông trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, bắp (ngô) và kết hợp nuôi lợn, gà thả vườn để có thêm thu nhập. Khi có vốn nhiều hơn, ông mở rộng diện tích chuyển sang trồng cây cao su. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên cuộc sống của gia đình ông ở vùng đất đỏ Đông Nam Bộ ngày càng phát đạt. Năm 2018, UBND thị xã Đồng Xoài (nay là thành phố Đồng Xoài) có chủ trương triển khai dự án xây dựng đường đi, bờ kè và công viên hai bên suối Tà Băng thuộc địa bàn xóm 4, ấp 1 B và xóm 3, ấp 2 xã Tiến Thành. Sau khi được lãnh đạo ấp, xã đến vận động bà con hiến đất để thực hiện dự án cải tạo suối Tà Băng nhằm tiêu thoát nước, trồng cây xanh, xây dựng đường đi hai bên, xây công viên vui chơi... ông Quang đã bàn bạc với cả nhà và quyết định cưa gần 300 cây cao su đang cho thu hoạch trên diện tích gần 4.000 m2 đất.
Nơi ông Phùng Tiến Quang hiến đất làm công trình phúc lợi. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Ông Phùng Tiến Quang chia sẻ: “Lúc đó đất ở đây đang lên giá cao lắm. Đất vườn cao su tôi hiến nếu bán thời điểm đó 4 sào (0,4ha) gần 4 tỷ đồng, gửi tiết kiệm ngân hàng gia đình cũng có một khoản tiền lãi hàng tháng. Còn 300 cây cao su nhà tôi cho thu nhập mỗi ngày trên 200.000 đồng từ việc bán mủ. Sau khi biết dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích, gia đình tôi và bà con nơi đây quyết định hiến đất. Dự án hoàn thành càng tạo thêm đường đi lại thông thoáng, cũng vui, cũng mừng lắm". Bà Đinh Thị Vạn, vợ ông Quang kể, lúc đầu nghe dự án sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đất và cây cao su đang trong giai đoạn thu hoạch nên gia đình rất lo. “Khi nghe lãnh đạo ấp, xã đề cập đến chuyện hiến đất để thực hiện dự án mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, tôi và chồng cùng các con nhất trí hiến đất, vì lợi ích chung”, bà Vạn cho biết. Trước đó, về vùng Đông Nam Bộ với bao khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần hăng say lao động, gia đình ông Quang đã dần ổn định cuộc sống. Ông chia sẻ thêm: “Gia đình chúng tôi có được như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân, còn có sự bao bọc, giúp đỡ của địa phương, bà con lối xóm. Vì vậy, gia đình tôi muốn làm gì đó có ích cho mọi người, địa phương như là sự tri ân, trả nghĩa”. Giờ đây, dù không giàu có, nhưng vợ chồng ông Phùng Tiến Quang vẫn có cuộc sống đầy đủ từ nguồn thu gần 2 ha cao su đang cho thu hoạch và 2 ao cá cùng hàng chục con lợn rừng lai, gà, vịt... Thu nhập không cao nhưng cũng đủ giúp gia đình ông ổn định, trang trải cuộc sống. Việc lão nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hiến đất trị giá nhiều tỷ đồng ở thành phố “trẻ” Đồng Xoài để làm đường, làm công viên, xây bờ kè… khiến nhiều người bất ngờ và nể phục. Tấm lòng nhân ái của ông Phùng Tiến Quang và gia đình xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào học tập và làm theo lời Bác. Chủ tịch Hội Nông dân phường Tiến Thành, bà Hoàng Thị Phương Thu cho biết: Ông Phùng Tiến Quang được nhiều người trong khu phố đánh giá sống rất hòa đồng, thân thiện. Đặc biệt, vừa qua sau khi được chính quyền địa phương vận động, ông đã hiến đất với giá trị rất lớn để làm công trình phúc lợi cho địa phương. Đây là một tấm gương rất tốt, góp phần không nhỏ xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Qua những việc làm cụ thể, ông Phùng Tiến Quang đã được các cấp chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng. Mới đây, ngày 17/5, ông được vinh dự là một trong 171 tập thể, cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
K GỬIH