Tình hình kinh tế-xã hội quý II/2023 của Lào Cai đã xuất hiện những điểm sáng và dấu hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm không đạt kỳ vọng do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lớn đang đặt ra cho công tác điều hành vĩ mô trong những tháng cuối năm nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Khu vực dịch vụ là lực đỡ cho kinh tế
Ông Phan Quốc Nghĩa, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lào Cai cho biết, theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 4,65%, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu 10%). Đây là số tăng thấp nhất trong những nhiệm kỳ gần đây.
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, GRDP quý II của Lào Cai tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức tăng 10,34% của quý II năm 2022, xếp thứ 10/14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và thứ 52 cả nước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Lào Cai đạt 4,65%, xếp thứ 9/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố.
Trong bối cảnh đó, lực đỡ cho kinh tế Lào Cai hiện nằm ở khu vực dịch vụ. Sáu tháng đầu năm, khu vực dịch vụ của Lào Cai đạt tăng trưởng 8,25%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng kinh tế (4,65%). Riêng quý II, tăng trưởng khu vực dịch vụ tăng 6,78% so với quý I và tăng 7,55% so với cùng kỳ.
Kết quả này có được là do các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được Lào Cai đẩy mạnh trong thời gian qua. Như vậy, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khu vực dịch vụ đã không chỉ hồi phục mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực tăng trưởng chính trong quý II và 6 tháng đầu năm của Lào Cai.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu kế hoạch đặt ra, nhưng địa phương vẫn có những điểm sáng như: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì và phát triển khá với mức tăng trưởng 4,95% cao hơn cùng kỳ năm 2022 (4,08%). Hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 52,8% kế hoạch, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong top những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (xếp thứ 6/63 tỉnh thành).
Tuy vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý II gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào còn ở mức cao; thiếu nguyên liệu cho sản xuất; một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao... Tăng trưởng của ngành công nghiệp trong quý II giảm 4,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giảm 0,18% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 của Lào Cai còn gặp rất nhiều khó khăn, điểm nghẽn như: số doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ; giá trị xuất nhập khẩu đạt rất thấp; thị trường bất động sản trầm lắng, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm. Tiến độ một số dự án trọng điểm còn chưa đáp ứng yêu cầu do giá nguyên, nhiên vật liệu biến động mạnh, vướng mắc trong thẩm định giá thiết bị đưa vào công trình và chậm giải phóng mặt bằng… Tất cả các yếu tố này khiến số thu ngân sách Nhà nước của tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ và chỉ đạt 30% so với mục tiêu năm.
Dự báo trong thời gian tới, kinh tế của Lào Cai sẽ tiếp tục gặp khó khăn do suy thoái kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy duy trì ở mức ổn định và tăng trưởng nhưng đóng góp vào tăng trưởng chung không cao do chiếm tỷ trọng thấp; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp khó khăn.
Để đạt mức tăng trên 10% trong năm 2023, tăng trưởng bình quân mỗi quý còn lại phải đạt trên 14%. Đây là mức tăng trưởng để phấn đấu nhưng sẽ rất khó khăn và khả năng đạt được là thấp. Tuy nhiên, theo ông Phan Quốc Nghĩa, tỉnh Lào Cai sẽ không điều chỉnh kế hoạch, thay vào đó sẽ quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất
Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2023 của UBND tỉnh Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Lào Cai sẽ phấn đấu thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu, duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 10%. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành tập trung vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vật liệu xây dựng; đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản; xây dựng khung giá đất phù hợp với thực tế; tăng cường thu ngân sách ở hoạt động khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư.
Từ nay tới cuối năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai quyết liệt chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy khôi phục tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các mục tiêu kế hoạch năm 2023 đạt ở mức cao nhất. Trong đó, Lào Cai tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Lào Cai tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, quyết tâm khôi phục sản xuất của Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung trong quý III/2023, từ đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp đã đề ra theo kế hoạch. Tỉnh tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án khai thác quặng apatit, đồng, sắt đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất tại địa phương; tập trung hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường; Khu công nghiệp Bản Qua.
Lào Cai đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp thực hiện đạt vượt 10-20% kế hoạch tỉnh giao. Đồng thời thực hiện giải ngân xây dựng cơ bản tối thiểu đạt 95% trong năm 2023, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cảng hàng không Sa Pa, cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; cầu Phú Thịnh; cầu Làng Giàng; cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ và đường tỉnh...
Ngoài ra, địa phương chủ động trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để đẩy mạnh kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới; giải quyết, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa; vận hành tốt Cổng dịch vụ công tại Cửa khẩu quốc tế Đường bộ số II Kim Thành theo hướng số hóa quy trình thủ tục, công khai minh bạch những quy trình hàng xuất, hàng nhập, sắp xếp phương tiện.
Lào Cai đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng và tạo mặt bằng "sạch" trong Khu kinh tế cửa khẩu để thu hút đầu tư các dự án; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu trong đó tập trung vào đường giao thông kết nối giữa Cửa khẩu quốc tế Đường bộ số II Kim Thành với Bản Vược, hạ tầng khu cửa khẩu phụ Bản Vược, bãi kiểm hóa, hạ tầng các cửa khẩu. Đồng thời, triển khai vận hành có hiệu quả “luồng ưu tiên” thông quan đối với hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).
Hương Thu