Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2023 đã được tỉnh Lào Cai tổ chức chiều 19/5.
Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ người uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tiếp tục phát huy vai trò của người uy tín trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là người được đồng bào dân tộc tín nhiệm, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của người có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vững mạnh. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị thường xuyên gặp gỡ, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời những người uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn người uy tín Lào Cai tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy, chính quyền; đồng thời, tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, đến năm 2023, tỉnh Lào Cai có 1.119 người uy tín trong công đồng. Đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, kịp thời phát hiện, thông báo đến chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật trong cộng đồng; tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Bằng những kinh nghiệm của mình, người uy tín đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, gương mẫu đi đầu để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, bản noi theo, tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn, bản ngày càng lành mạnh, tiến bộ.
Người uy tín còn là cầu nối quan trọng giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể; mạnh dạn góp ý cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở địa phương... Công tác tuyên truyền, vận động của người uy tín đã đóng góp tích cực vào kết quả trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Nhiều người uy tín là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, trở thành điển hình cho cộng đồng học tập như: Bà Hoàng Thị Chắp (dân tộc Giáy, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai) với mô hình sản xuất kinh doanh cá thịt và cá giống mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng; ông Sào Thò Cà (dân tộc Hà Nhì, thôn A Lù 1, xã A Lù, huyện Bát Xát) vận động bà con trong thôn trồng 6 ha rừng trồng sản xuất, chăn nuôi ngựa nâng cao thu nhập; ông Thào A Sảo (dân tộc Mông, thôn Khoai 1, xã Bảo Hà) đi đầu thực hiện triển khai các mô hình chăn nuôi gà ta, trâu, trồng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Bên cạnh đó, người uy tín luôn phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy...
Điển hình như ông Ma Thanh Sợi (dân tộc Tày, thôn Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên) đã xuất bản 5 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, phong tục, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Nghĩa Đô, sưu tầm, biên soạn 50 chuyên đề chuyên sâu về văn hóa. Ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ông Giàng A Tráng (dân tộc Mông, thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai) tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là trong việc tang, ma, cưới hỏi. Ông Cư A Seng (dân tộc Mông, thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai) tham gia truyền dạy miễn phí các bài khèn, bài hát liên quan đến các nghi lễ và các bài múa võ cổ truyền của dân tộc…
Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2021 đến nay, 228 lượt người uy tín tiêu biểu xuất sắc trên địa bàn tỉnh Lào Cai được các cấp khen thưởng, trong đó, ba người được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; 90 người được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen...
Tại Hội nghị, BA người uy tín đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, 26 người uy tín được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác tại cơ sở.
Hồng Ninh